Hậu Giang phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa, lịch sử

Sáng 29/6, UBND thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang) tổ chức Hội thảo "Sức bật du lịch và xúc tiến đầu tư thành phố Ngã Bảy". Các diễn giả, chuyên gia trình bày nhiều ý kiến về giải pháp phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; định hướng, giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch đường sông.

vna_potal_hau_giang_hoi_thao_suc_bat_du_lich_va_xuc_tien_dau_tu_thanh_pho_nga_bay_7456156.jpg
Ông Lê Hoàng Xuyên, Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy phát biểu. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Khai thác câu chuyện đặc sắc Ngã Bảy trong xây dựng sản phẩm du lịch; ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, quảng bá tour, tuyến du lịch. Các chuyên gia, diễn giả cũng trao đổi về tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực đô thị thành phố Ngã Bảy; tiềm năng, cơ hội phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố gắn với phát triển du lịch; tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt Nam và một số giải pháp thúc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh.

Gợi ý về ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, quảng bá tour, tuyến du lịch của thành phố, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Ly, Giảng viên Trường Đại học Văn Lang cho rằng, thành phố Ngã Bảy sở hữu tiềm năng du lịch phong phú với cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, việc khai thác và quảng bá du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong ứng dụng các nền tảng công nghệ số. Do vậy, thành phố Ngã Bảy cần phát triển nội dung đa dạng, tăng cường tương tác, sử dụng quảng cáo đích trên mạng xã hội; đa dạng hóa nội dung video, tối ưu hóa tìm kiếm, tận dụng quảng cáo trên kênh youtube; phát triển nội dung chi tiết, hấp dẫn, tính năng tương tác trên website du lịch chính thức của Ngã Bảy; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo...

Cùng với đó, cần có các giải pháp về sản xuất nội dung đa dạng hấp dẫn và chất lượng cao trên các nền tảng số. Các nội dung này nên có tính tương tác cao và phù hợp với xu hướng hiện đại để thu hút sự chú ý của du khách. Cụ thể, cần tạo các bài viết chi tiết về hành trình du lịch, các video ngắn về các hoạt động địa phương và các hình ảnh sống động về cảnh quan thiên nhiên.

Đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thành phố Ngã Bảy, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt Trần Quang Duy cho rằng, thành phố cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giao thông, xây dựng và cải thiện hệ thống các dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch Việt Nam và quốc tế, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, tiếp tục tìm kiếm điểm đặc trưng nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường công tác quảng bá, tận dụng tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển du lịch đặc thù của thành phố.

Ngoài ra, thành phố cần học tập việc xây dựng thương hiệu du lịch từ các địa phương khác; xúc tiến rộng hơn các sản phẩm liên kết và nâng chất các điểm đến trong từng sản phẩm tour; kết nối với cộng đồng dân cư địa phương làm du lịch; nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy Lê Hoàng Xuyên nhấn mạnh, thành phố Ngã Bảy có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, có tiềm năng trở thành trung tâm đầu mối phát triển kinh tế của tỉnh và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố này trở thành một trong những trung tâm thương mại, du lịch của tỉnh, là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước, do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn và cởi mở về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và phát triển du lịch nói riêng, đồng thời đề xuất giải pháp thiết thực cho sự phát triển chung của thành phố Ngã Bảy trong thời gian tới.

Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, diễn giả tại Hội thảo, Chủ tịch Lê Hoàng Xuyên cho biết, UBND thành phố sẽ nghiên cứu để có giải pháp căn cơ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư.

Những năm qua, thành phố Ngã Bảy chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và mở rộng không gian đô thị, hình thành nhiều khu dân cư; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường đô thị trọng điểm, tạo thuận lợi giao thương liên vùng, rút ngắn thời gian lưu thông từ các khu công nghiệp đến các địa phương khác. Chính quyền từ thành phố đến xã, phường đều tạo mọi đều kiện để người dân và doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.

Thành phố cũng ưu tiên thu hút đầu tư, mở rộng trung tâm thành phố; xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, nhà hàng, siêu thị; tập trung phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch; cải tạo, nâng cấp hạ tầng dịch vụ du lịch hiện có, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, hướng đến phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa sông nước đặc thù.

Hồng Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm