Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa, tỉnh đang tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường thủy, hình thành dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến địa phương.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2024 đưa vào khai thác du lịch đường thủy tuyến kênh xáng Xà No, đầu tư xây dựng một bến tàu, bến hành khách trên tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy, phát triển hai tàu du lịch phục vụ khách du lịch. Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh xây dựng hai bến tàu trên tuyến kênh xáng Xà No và tuyến dọc sông Hậu, hình thành đội tàu phục vụ khách du lịch trên tuyến du lịch đường thủy; liên kết các tuyến du lịch đường thủy với các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang...
Thời gian đầu, tỉnh khai thác tuyến du lịch kênh xáng Xà No trong nội ô thành phố Vị Thanh kết hợp tham quan các điểm trên tuyến du lịch kênh xáng. Tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy sẽ kết hợp tham quan chợ nổi và các điểm du lịch trên tuyến như các vườn trái cây, homestay, di tích, khu du lịch sinh thái Mùa Xuân, khu sinh, nghề truyền thống đan đát...
Trên địa bàn tỉnh, Cảng Hậu Giang nằm ở Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành) là cầu cảng tổng hợp, được quy hoạch bờ trái luồng Định An - Cần Thơ, đoạn từ rạch Cái Cui đến rạch Cái Côn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Địa phương sẽ tận dụng lợi thế đường sông dọc sông Hậu và các nhánh nhỏ như sông Mái Dầm với lòng sông rộng và thoáng, cảnh quan hai bên sông mang đậm tính chất dân dã, giản dị với nhiều rặng dừa nước dọc theo bờ sông, cây bần, lục bình và Ngã Sáu để phát triển du lịch đường thủy.
Để khai thác hiệu quả các tuyến du lịch đường thủy, tỉnh sẽ đầu tư, nâng cấp bến thủy nội địa tại thành phố Vị Thanh, Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, Châu Thành; xây dựng nhà chờ tại bến tàu, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nơi xử lý rác thải… gắn kết với các bến hành khách, bố trí phương tiện giao thông để trung chuyển đón khách du lịch đến bằng đường thủy. Tỉnh đầu tư, nâng cấp, xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng để kết hợp khai thác đưa vào các tour du lịch đường thủy; kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển một số công trình trọng điểm như đài quan sát 7 nhánh sông trên cao; phục dựng chợ nổi Ngã Bảy; phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử cho khách du lịch thưởng thức trên thuyền, tàu du lịch, tại các khu điểm du lịch dọc các tuyến du lịch đường thủy.
Song song với đó, Hậu Giang tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phục vụ trên tàu, thuyền về kỹ năng đón tiếp khách, kỹ năng phục vụ, đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách; tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về du lịch đường thủy cho cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch trong việc kết hợp, khai thác du lịch đường thủy gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Tỉnh dự kiến đầu tư gần 60 tỷ đồng từ các nguồn vốn để khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường thủy.
Hậu Giang được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch, nổi bật là giá trị cảnh quan, sinh thái sông nước; có mạng lưới sông - kênh - rạch rất đa dạng. Mạng lưới đường thủy trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 724 km, trong đó Trung ương quản lý 96 km, tỉnh quản lý 223 km, huyện quản lý 405 km. Trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến vận tải thủy quốc gia đi qua đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp 3. Mạng lưới đường thủy do tỉnh quản lý bao gồm 7 tuyến, hầu hết đạt tiêu chuẩn sông - kênh cấp 4 - 5. Mạng lưới đường thủy do huyện quản lý hầu hết đạt tiêu chuẩn sông - kênh cấp 5 - 6. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 đón 1,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Hồng Dân