Người dân tuyến kênh Châu Bộ, ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Ảnh: Hồng Thái-TTXVN |
* Đổi thay khi điện kéo về Huyện Phụng Hiệp là địa phương có số hộ chưa có điện nhiều nhất trong tỉnh Hậu Giang với trên 310 hộ, nhờ nguồn vốn từ Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 (Đề án 2081) cùng sự nỗ lực của địa phương, lưới điện được kéo về vùng sâu, vùng xa ngày càng nhiều đem lại sự thay đổi cho đời sống người dân. Trong căn nhà khang trang ven tuyến kênh Châu Bộ, ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, gia đình ba thế hệ của bà Nguyễn Thị Hằng đang quây quần quanh chiếc ti vi xem chương trình giải trí. Gặp chúng tôi, bà Hằng khoe: "Sau mười mấy năm xài điện câu đuôi, giờ nhà tôi có thể vừa coi ti vi, vừa nấu cơm mà không lo điện chập chờn".
Gắn điện đến tận nhà người dân ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ảnh: Hồng Thái-TTXVN |
Tết Nguyên đán năm 2019, gia đình bà Hằng và hơn 30 hộ dân ven kênh Châu Bộ cùng chung niềm vui được sử dụng điện từ nguồn điện lưới quốc gia, cùng với đó, người dân không còn lo sợ mất an toàn vì sử dụng điện câu đuôi. Bà con nơi đây trước kia chỉ sử dụng được ti vi và chiếc nồi cơm điện để phục vụ những nhu cầu cơ bản nhất thì khi điện được kéo về, hộ nào cũng mua sắm tủ lạnh, máy lạnh. Bà Hằng tâm sự: "Bà con ở đây hàng chục năm kéo điện câu đuôi, đường điện không được mạnh nên không xài gì được, giá điện lại cao nên bà con rất mong muốn kéo điện về. Giờ đã có đường điện bà con rất phấn khởi, xóm này ai cũng sắm ti vi, máy lạnh, tủ lạnh. Thêm nữa điện lưới kéo về không chập chờn, xài đồ điện cũng an tâm". Không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày, dòng điện về nông thôn cũng mang theo nhiều điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, cách thức tiếp cận thông tin của người dân đa dạng hơn. Ông Lâm Văn Nết, ấp Long Phụng A chia sẻ: “Từ khi có điện, bà con nghe đài, xem ti vi thường xuyên, biết được tin tức, hiểu biết cũng nhiều hơn. Riêng tôi, việc xem được các chương trình khuyến nông trên ti vi nên có thể học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để có năng suất, hiệu quả cao hơn”. Với việc đầu tư nhiều công trình lưới điện trung thế, nhằm cấp điện cho các khu vực dân cư nông thôn chưa có điện, xóa dần tình trạng câu đuôi, kéo điện không an toàn, khoảng cách giữa người dân ở các vùng ngày càng được rút ngắn, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Công nhân kéo điện hạ thế về kênh Châu Bộ, ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ảnh: Hồng Thái-TTXVN |
Ông Nguyễn Chí Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phụng Hiệp cho rằng, Phụng Hiệp là huyện thuần nông, điều kiện còn nhiều khó khăn nhất tỉnh. Việc triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trên địa bàn huyện đã góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh-chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn; cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng.* Nỗ lực đưa điện về nông thôn Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện nông thôn luôn được tỉnh Hậu Giang và ngành điện quan tâm với 700 tỷ đồng xây dựng 1.630 km đường dây trung thế, 3.600 km đường dây hạ thế. Đến nay, 76/76 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia, phục vụ cho hơn 192.000 hộ dân, nâng tỷ lệ hộ dân có điện toàn tỉnh đạt 99,61%. Từ năm 2011 - 2018, Công ty Điện lực Hậu Giang đã đầu tư 99 công trình lưới điện phân phối nhằm phát triển mạng lưới điện quốc gia phục vụ vùng nông thôn với tổng mức đầu tư trên 326 tỷ đồng; trong đó, trên 32 tỷ đồng từ nguồn vốn ứng của tỉnh, 50 tỷ đồng từ ngân sách trung ương bố trí cho dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2015 - 2020, còn lại là nguồn vốn của ngành điện. Tuy nhiên, với địa hình nhiều kênh, rạch, cùng tập quán sinh sống của người dân vùng nông thôn dẫn đến phân bố dân cư thưa thớt, nên việc đầu tư đồng bộ mạng lưới điện cho người dân vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tỉnh còn gần 3.200 hộ dân chưa có điện hoặc sử dụng điện câu đuôi, trong đó trên 740 hộ chưa có điện sử dụng. Huyện Phụng Hiệp với 1.200 hộ sử dụng điện không an toàn, trên 310 hộ chưa có điện và huyện Long Mỹ với 330 hộ sử dụng điện không an toàn, 290 hộ chưa có điện là hai địa phương có số hộ chưa được tiếp cận điện lưới quốc gia cao nhất, nhì tỉnh. Các tuyến đứt khúc, đứt quãng cần được đầu tư trên địa bàn tỉnh có chiều dài đường dây trung thế khoảng 167 km, chiều dài đường dây hạ áp khoảng 464 km và 215 trạm biến áp. Ông Lý Quốc Phong, Giám đốc Công ty Điện lực Phụng Hiệp cho biết, trên địa bàn huyện, số điện đứt khúc, đứt quãng còn rất lớn do người dân sống ở vùng nông thôn thưa thớt. Để đầu tư kéo điện cùng lúc cho bà con tất cả các khu vực cần có nguồn vốn rất lớn, do đó, cần phải có lộ trình đầu tư phù hợp với kinh phí của ngành điện. Để khắc phục các tuyến đứt khúc, đứt quãng, đơn vị đang triển khai đầu tư từ nguồn vốn Đề án 2081, JICA, vốn khấu hao cơ bản của đơn vị, tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ với 30 km đường dây trung áp, 70 km dây hạ áp và tiếp tục phối hợp địa phương khảo sát, lập phương án đề xuất. Điện lực Hậu Giang bố trí nguồn vốn, phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng này vào năm 2020, ông Phong thông tin thêm. Năm 2019, ngành điện tiếp tục thực hiện đầu tư mới trên địa bàn tỉnh 7 công trình lưới điện trung thế, cấp điện cho các khu vực dân cư nông thôn chưa có điện, các khu vực bức xúc, xóa câu đuôi lưới điện với tổng mức đầu tư trên 246 tỷ đồng; trong đó, Dự án thành phần Cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực nông thôn tỉnh hậu Giang có tổng mức đầu tư trên 52 tỷ đồng, dự kiến cấp điện cho hơn 4.100 hộ dân và Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh hậu Giang với tổng mức đầu tư gần 16 tỷ đồng, dự kiến cấp điện cho trên 580 hộ dân. Cả hai dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2019.
Công nhân kéo điện hạ thế về kênh Châu Bộ, ấp Long Phụng A, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồng Thái-TTXVN |
Theo ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, nhờ việc đầu tư phát triển lưới điện và đưa điện về nông thôn trong thời gian qua, nên đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã có điện lưới quốc gia. Nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên vẫn còn trên 740 hộ dân chưa có điện hoặc câu đuôi không an toàn. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thậm cho biết thêm, tại kỳ họp thứ 11 (bất thường) của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua Nghị quyết số 06/NQ - HĐND ngày 23 - 4 - 2019 về Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016 - 2020. Dự án có tổng mức đầu tư 413 tỷ đồng, việc thực hiện đầu tư phù hợp với tiến độ cấp vốn hằng năm. Dự án này sẽ phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân vùng sâu, vùng chưa có điện và đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm từng bước nâng cao đời sống dân trí cho người dân vùng nông thôn.
Hồng Thái