Hậu Giang: Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn

Hậu Giang: Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông - lâm - ngư nghiệp, môi trường sinh thái nông thôn của tỉnh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, tỉnh Hậu Giang triển khai kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh thực hiện phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Hậu Giang: Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn ảnh 1Làng trầu ở huyện Vị Thủy. Ảnh: baohaugiang.com.vn

Theo đó, Hậu Giang phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có từ 3 - 5 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn có ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; 70% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các sở, ngành liên quan sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn, nguồn nhân lực du lịch nông thôn; lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn.
Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho hoạt động này. Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế của địa phương; tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Hậu Giang có 101 cơ sở lưu trú du lịch, 1.307 phòng; trong đó có 8 khách sạn được xếp hạng từ 1 sao đến 3 sao, 1 homestay đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch; 21 điểm tham quan du lịch, nhiều điểm kinh doanh, ăn uống... cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách đến tham quan và lưu trú tại tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 16 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, các công trình văn hóa tôn giáo, lễ hội văn hóa, làng nghề truyền thống, ẩm thực, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Để tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, xây dựng nhiều đề án, dự án hỗ trợ, phát triển du lịch như: Đề án phát triển du tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang; Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đầu tư tu bổ 36 lượt di tích với tổng số tiền khoảng 295 tỷ đồng.

Hồng Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm