Hậu Giang: Chìa khóa giúp dân thành công

Hậu Giang: Chìa khóa giúp dân thành công
Nhờ VietGAP mà nghề trồng chanh không hạt phát triển bền vững nhiều năm qua
Nhờ VietGAP mà nghề trồng chanh không hạt
phát triển bền vững nhiều năm qua
Trao chìa khóa

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có gần chục sản phẩm nông nghiệp được thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Và chiếc chìa khóa ấy đã được trao tặng cho nông dân thông qua những nghiên cứu dự án, đề tài. Kết quả của những nghiên cứu này được ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống của người dân, đem lại cho họ nhiều lợi ích trong sản xuất, tăng lợi nhuận. “Thực hành nông nghiệp tốt” theo tiêu chuẩn VietGAP ở Hậu Giang đã trở thành giải pháp nền tảng để nhà nông xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm của mình. Cuối cùng, thực hành nông nghiệp tốt đã giúp nghề nông ở Hậu Giang phát triển một cách bền vững. Những mô hình VietGAP được triển khai trên các cây trồng có thế mạnh cạnh tranh của tỉnh như lúa, khóm, xoài, chanh không hạt, quýt đường…

Tuy nhiên, để truyền tải các kỹ thuật thực hành này đến với người dân không phải dễ. Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Nguyễn Thị Kiều nhớ lại: “Hồi đó, đi vận động bà con ở Hỏa Tiến, Tân Tiến, thành phố Vị Thanh tham gia trồng khóm VietGAP khó vô cùng. Ban đầu, bà con e ngại và sợ làm phiền đến việc sản xuất của họ. Khi trình bày các tiêu chí cần phải thực hiện để đạt chuẩn VietGAP, bà con lại càng ngao ngán hơn. Nhưng chúng tôi đã thuyết phục và đưa ra nhiều minh chứng ở các địa phương khác, những mô hình thành công ở các nước tiến bộ cũng dần thuyết phục được người dân”.

Thế nhưng, không phải khi áp dụng, truyền tải hết tất cả các kiến thức, kinh nghiệm thì nông dân nào cũng làm được. Đã có nhiều trường hợp các mô hình phải thực hiện lặp lại nhiều lần bởi lỗi ở nông dân. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết: “Vì các bác nông dân lớn tuổi, vả lại trước đến nay làm nông không quen với việc ghi chép nên đôi lúc quên. Rồi tới lúc tra cứu nhật ký thì thiếu sót nên phải thực hiện mô hình lại. Cán bộ chúng tôi phải thường xuyên đến theo dõi mô hình, nhắc nhở để nông dân quen với cách làm mới này”.

Mở lối thành công

Hiện nay, có không ít nông dân, HTX thành công khi áp dụng các mô hình VietGAP. Nổi bật nhất phải kể đến kết quả của dự án “Xây dựng mô hình chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP” tại huyện Châu Thành. Gần chục năm qua, sản phẩm chanh không hạt của HTX chanh không hạt Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành), không những độc quyền mà còn nổi tiếng vì được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP an toàn. Với sự tham gia tài trợ của ngành nông nghiệp huyện, hơn 17ha chanh không hạt của HTX được hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP và được cấp giấy chứng nhận năm 2012. Trái chanh không hạt cũng được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, từ đó sản phẩm được các công ty Ecofarm, The Fruit Republic, siêu thị Co.opMart tiêu thụ với giá cao hơn thị trường từ 2.000-4.000 đồng/kg. Đặc biệt hơn, trái chanh không hạt còn được ưa chuộng và xuất khẩu mỗi năm hàng ngàn tấn ra thị trường châu Âu, Trung Đông.

Tương tự là mô hình xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Thành A đã giúp cho nhiều nông dân ở đây làm ăn khấm khá hơn. Ông Lưu Bá Lộc, Giám đốc HTX xoài cát Bảy Ngàn, nhận định: “Tuy mô hình này không được bao tiêu sản phẩm nhưng nông dân tham gia mô hình đều được tập huấn kỹ thuật từ việc xử lý ra hoa trái vụ. Trái xoài làm ra luôn đủ đáp ứng trên thị trường quanh năm, đảm bảo giá cả ổn định mà năng suất không giảm”. Thành công không nhỏ mà mô hình xoài VietGAP mang đến nữa là đã áp dụng phương pháp khoa học tiên tiến trong bao trái. Cách làm này giúp trái xoài cát Hòa Lộc luôn đẹp mắt, hạn chế sâu bệnh, bán được giá cao, tăng thêm thu nhập cho nhà vườn.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lê Xuân Tý nhận định: “Với chức năng nhiệm vụ của mình, cán bộ ngành khoa học chúng tôi rất muốn mang đến cho nông dân những ứng dụng hữu ích, có hiệu quả. Để từ đó giúp bà con sống và phát triển với nghề, giúp cho nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng đi lên, nông nghiệp Hậu Giang ngày càng phát triển bền vững. Trong những năm tới, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những kết quả khoa học tiên tiến phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân, để khoa học tạo sức bật cho nông nghiệp, nhà nông tiếp tục gặt hái thành công mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn”.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm