Hậu Giang: Bảo vệ môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp, nông thôn đảm bảo môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sống an toàn, lành mạnh. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Tỉnh Hậu Giang tăng cường và tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại khu vực nông thôn. Từ đó, tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Hậu Giang thí điểm và nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp; vận động, hỗ trợ xử lý triệt để chất thải rắn, nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ các hộ chăn nuôi cá thể, trang trại tại khu vực nông thôn bằng mô hình xử lý sinh học kết hợp sử dụng khí sinh học trong sinh hoạt tại các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi; xây dựng và đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào các quy ước của xã.

vna_potal_hau_giang_san_xuat_nong_nghiep_thong_minh_thich_ung_bien_doi_khi_hau_7365469.jpg
Nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn mãng cầu xiêm. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường như: hệ thống thu gom chất thải rắn, chất thải sinh hoạt nông thôn; đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường khi triển khai các quy hoạch liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn.

Hậu Giang xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của sạt lở đất, mưa lớn, ngập lụt, xâm nhập mặn; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên. Tỉnh thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp; từng bước hoàn thiện về cơ sở hạ tầng thủy lợi đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung.

Hậu Giang từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt đốt phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; thay vào đó là áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn, chuyển đổi mục đích sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế, chuyển đổi các bon trong sinh khối cây trồng thành các bon bền vững và năng lượng sạch, tăng tích lũy các bon trong đất nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, nông nghiệp của tỉnh đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh hơn 162.000 ha (trong đó, diện tích đất nông nghiệp hơn 140.000 ha, chiếm 86,53%); dân số trên 728.000 người (trong đó 71,9% sinh sống ở khu vực nông thôn).

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 3,05%/năm; năng suất lao động nông nghiệp tăng bình quân 5,5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân trên 10%/năm. Xã nông thôn mới đạt 100% tổng số xã (trong đó, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt trên 50%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 20%); đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đạt 75% (6 đơn vị), trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện (2 đơn vị) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Sông Hậu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm