Tối 21/4, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai tổ chức Chương trình “Hành trình du lịch văn hóa lịch sử và công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy”.
Chương trình là hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy, kết nối và khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử của Thủ đô. Qua đó, tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, góp phần vào sự phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, những vùng đất địa linh nhân kiệt là cội nguồn, mạch sống, biểu trưng cho sự trường tồn của một vùng quê, một mảnh đất, một dân tộc. Chùa Thầy, huyện Quốc Oai là một minh chứng cho dòng chảy văn hóa lịch sử. Tại buổi lễ trang trọng này, huyện Quốc Oai vinh dự được UBND thành phố Hà Nội công nhận “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá”. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để huyện tiếp tục gìn giữ, tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống quý báu tới du khách thập phương, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Tại buổi lễ, huyện Quốc Oai giới thiệu, tôn vinh các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, như: Biểu diễn cồng chiêng, hát dô, hát ví Hàm Rồng, múa rối cạn, bên cạnh đó còn có tiết mục múa nón Led và thả đèn hoa đăng.
Trong khuôn khổ của chương trình, tại khu vực Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy, Ban Tổ chức bố trí các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Đó là các sản phẩm tour tuyến du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng - giải trí, du lịch nông nghiệp nông thôn với các chương trình khuyến mại, kích cầu du lịch dành cho du khách của Khu Du lịch Tuần Châu và các doanh nghiệp lữ hành; giới thiệu sản phẩm ẩm thực đặc trưng, sản phẩm OCOP, các sản phẩm truyền thống của địa phương; gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm làng nghề phục vụ khách du lịch, sản phẩm quà tặng du lịch.
Tại chương trình, màn trình diễn cổ phục với sự tham gia của 50 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. Du khách được mượn cổ phục miễn phí để chụp ảnh check-in. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình, phần trình diễn múa rối nước tại Thủy đình - một hoạt động đặc trưng của huyện Quốc Oai, được biểu diễn bởi Câu lạc bộ Rối nước Sài Sơn, chân truyền của ông tổ nghề múa rối Thiền sư Từ Đạo Hạnh; các trò chơi dân gian mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc như: Vẽ nón, ghép tranh từ hoa gạo, tô gỗ, đập niêu, vẽ mặt nạ...
Tại Khu du lịch Tuần Châu, thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” được trình diễn; hát chèo, hát quan họ, thi dân vũ, thi bóng chuyền hơi; múa lân tại khu vực bùng binh cá heo, biểu diễn hải cẩu và nhiều hoạt động khác.
Lễ hội Chùa Thầy năm 2023 (diễn ra từ ngày 22/4 đến hết ngày 26/4) được xem là hội vui nhất trong các lễ hội miền Bắc. Lễ hội hàng năm thường diễn trò múa rối nước để tưởng nhớ về Thiền sư Từ Đạo Hạnh - người có công lớn trong việc khởi dựng chùa và là thủy tổ của trò múa rối nước độc đáo. Lễ hội gồm: Chương trình khai hội, lễ mộc dục, lễ phục nghinh bài vị, lễ cúng yên vị, lễ tế và lễ rước của các thôn. Tại lễ hội cũng tổ chức các trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, đánh đu và các chương trình nghệ thuật biểu diễn như múa rối nước, hát chèo, hát tuồng, hát dô, hát dân ca và cồng chiêng.
Chương trình “Hành trình du lịch văn hóa lịch sử và công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy” là sự kiện du lịch văn hóa lịch sử đặc sắc, quảng bá lễ hội Chùa Thầy năm 2023 đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế, qua đó kết nối các điểm du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đinh Thuận