Hàng nghìn ha cao su gãy đổ do bão số 9 ở Thừa Thiên - Huế

Hàng nghìn ha cao su gãy đổ do bão số 9 ở Thừa Thiên - Huế

Do ảnh hưởng của bão số 9, hơn 1.500 ha cây cao su đang thời kỳ khai thác mủ tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị đổ gãy gây thiệt hại lớn, khiến bà con nông dân điêu đứng.

Hàng nghìn ha cao su gãy đổ do bão số 9 ở Thừa Thiên - Huế  ảnh 1Rừng cao su bị bão quật gãy, đổ. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Nam Đông là huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của Thừa Thiên - Huế. Đây cũng là “thủ phủ” trồng cao su của tỉnh. Nhiều năm nay, cây cao su đã giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thế nhưng, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi cơn bão số 9 quét qua, nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, trú tại thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông trồng hơn 1 ha cao su, đang cho thu hoạch. Mấy năm nay, kinh tế gia đình bà chủ yếu phụ thuộc vào rừng cao su. Nhìn những cây cao su lớn gãy ngang thân, chảy ra từng dòng nhựa trắng, bà Nguyễn Thị Hoa nước mắt lưng tròng chia sẻ, cả nhà dựa vào rừng cao su để sinh sống, giờ gãy đổ hết rồi. Thời gian tới, cả gia đình không biết lấy gì mà sống.

Ông Huỳnh Sơn, thôn Hà An, xã Hương Phú, huyện Nam Đông vẫn chưa hết bàng hoàng, vì chỉ sau một đêm, hơn 50% diện tích vườn cây cao su của gia đình ông bị gãy đổ. Ông Huỳnh Sơn nghẹn ngào cho biết, những khu vườn cao su tốn bao công sức chăm sóc hơn 10 năm, đang thời kỳ cho thu hoạch, thì nay tiêu tan chỉ sau một trận bão. Món nợ cả trăm triệu đồng ở ngân hàng biết lấy gì để trả nợ.

Toàn xã Hương Phú trồng khoảng 600 ha cao su của hơn 400 hộ dân. Nhiều gia đình ở đây, hằng ngày thu nhập tiền triệu, thì nay rơi vào cảnh trắng tay sau bão vì cao su bị gãy đổ hàng loạt.

Ông Trần Bảo Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Phú, huyện Nam Đông cho biết, cao su là cây chủ lực của địa phương, nhờ cây cao su mà Hương Phú từ xã thuộc diện 135 đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão số 9, khiến hơn 300 ha cao su bị gãy đổ. Ngoài ra, trên địa bàn xã có khoảng 500 ha cây keo bị hư hại khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, địa phương đã kiến nghị với cấp trên hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, đồng thời lồng ghép vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất để giúp các hộ dân trồng mới, phục hồi vườn cây sau bão.

Cao su là một trong những cây chủ lực của huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích 2.500 ha, trong đó diện tích đưa vào khai thác là 2.450 ha. Cao su đem lại thu nhập ổn định cho người dân và giúp người dân vươn lên làm giàu.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho biết, bão số 9 đã khiến hơn 1.500 ha cao su đang khai thác bị gãy đổ. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo người dân tích cực khắc phục lại những vườn cây cao su bị ngã đổ, tập trung chăm sóc phục hồi vườn cây bị thiệt hại ít, đối với những vườn bị gãy đổ hoàn toàn thì vận động bà con tận dụng cây để bán gỗ và trồng các loại cây trồng khác ít bị thiệt hại với gió bão. Huyện đã nghiên cứu và đang vận động bà con chuyển sang mô hình trồng cam Nam Đông, dứa và chuối trên địa bàn huyện.

Huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương bị thiệt hại nặng khi cơn bão số 9 vừa qua. Thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện có 5 nhà bị sập, hơn 400 nhà bị tốc mái, 5 trường học và trụ sở cơ quan bị hư hại. Có hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng; hơn 3,6km bờ sông, suối bị sạt lở; gần 3 ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp.

Ngoài ra, có hơn 2.500 ha rừng trồng keo bị gãy đổ; gần 30 ha rau màu các loại ngập úng, hư hỏng; hơn 35 ha cây hàng năm và cây ăn quả bị bị thiệt hại; 740 con gia cầm bị chết do ngập lụt và hơn 30 ha ao cá bị nước cuốn trôi...

Chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nam Đông cùng các lực lượng chức năng, đã và đang huy động toàn lực tập trung giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu dọn cây gãy đổ; đồng thời giúp người dân sửa chữa nhà cửa, từng bước khắc phục thiệt hại để ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm