Bão số 9 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, khiến 12 nghìn nhà dân cùng 10 nghìn giếng nước sinh hoạt, công trình vệ sinh bị ngập lụt, nguy cơ cao bị ô nhiễm. Sau khi nước lũ rút, ngành Y tế đã tích cực triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng bệnh sau lũ.
Sau bão số 9, nước lũ tiếp tục dâng cao gây ngập toàn bộ khu vực vùng trũng của huyện Nghĩa Hành khiến gần 4.000 giếng nước, trên 4.000 công trình vệ sinh bị ngập nên không có nước sạch để sử dụng. Đây là địa phương có số lượng giếng nước bị ngập nhiều nhất Quảng Ngãi và cũng là địa phương có nguy cơ phát sinh dịch bệnh sau lũ cao.
Trung tâm Y tế huyện đã khẩn trương cấp trên 100 kg Cloramin B, 120 kg Clorin và 18 nghìn viên Aquatabs để người dân khử khuẩn, đảm bảo an toàn về nguồn nước và môi trường sau lũ. Với phương châm nước rút đến đâu tập trung xử lý môi trường đến đó, ngành Y tế huyện đã huy động tổng lực ở các xã, thị trấn để xử lý các giếng nước, công trình vệ sinh bị ngập lũ.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành cho biết, sau bão số 9, nước lũ dâng cao, giếng nước nhà bà bị ngập. Ngay sau khi nước rút, gia đình bà được Trạm Y tế thị trấn cấp hóa chất khử khuẩn nên không chỉ gia đình bà mà bà con hàng xóm có nước sạch để sử dụng. “Cả khu dân cư này giờ gần như hộ nào cũng sử dụng giếng khoan, dù đã khử khuẩn nhưng không có nước sạch để sử dụng vì sau bão hệ thống điện chưa được khắc phục. Giếng nước nhà tôi là giếng khơi, sau khi khử khuẩn, bà con có thể đến lấy nước về dùng”, bà Xuyên cho hay.
Để đảm bảo người dân không thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh không phát sinh sau mưa lũ, cán bộ y tế các thôn, xã đã đến tận nhà dân để hướng dẫn cách xử lý môi trường. Đặc biệt, ưu tiên trước mắt là xử lý nguồn nước tại giếng khơi bằng cách dùng hóa chất Cloramin B; xử lý môi trường trên tất cả các địa bàn bị ngập lụt. Đến sáng 2/11, việc xử lý môi trường các giếng nước đã hoàn thành hơn 90%.
Ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho hay: “Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ, tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau khi nước rút, chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Các đơn vị y tế cung cấp Cloramin B cho nhân dân nhằm khử trùng nguồn nước, thu gom và sử dụng vôi bột hoặc hóa chất để xử lý xác động vật, tránh phát sinh các bệnh truyền nhiễm thường phát sinh sau lũ như: đau mắt đỏ, bệnh về da, tiêu hóa”.
Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng, nhất là sau lũ, sau khi nước lũ rút hoàn toàn, ngành Y tế chỉ đạo y tế cơ sở tiến hành hướng dẫn bà con diệt lăng quăng, bọ gậy. Với những vùng nguy cơ cao bùng phát dịch, đã có ca bệnh, ngành Y tế sẽ cho phun hóa chất diệt muỗi, ông Đức cho biết thêm.
Đinh Thị Hương