Từ Tràng Kênh - Bạch Đằng, điểm đến ba không
Quần thể di tích lịch sử văn hóa Tràng Kênh - Bạch Đằng nằm dưới chân núi Phượng Hoàng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), nhìn ra cửa sông Bạch Đằng lịch sử. Khu di tích lưng tựa núi, chân đạp sông, mắt dõi biển Đông, thành điểm tựa tâm linh cho cả một vùng Đông Bắc. Tràng Kênh - Bạch Đằng, một bảo tàng sống động về chiến công hiển hách của cha ông ta chống giặc ngoại xâm và là nơi giáo dục trực quan về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của người dân đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nơi đây, năm 938, Ngô Quyền đã đại thắng quân Nam Hán làm nên trận Bạch Đằng lần thứ nhất, kết thúc trên 1.000 năm thống trị tàn ác của phong kiến phương Bắc, đưa nước ta vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Năm 981, Lê Đại Hành Hoàng Đế đã tái tạo trận Bạch Đằng lần thứ hai, chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất bảo vệ vững chắc nền độc lập chủ quyền của dân tộc. Đến năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với trận Bạch Đằng lần thứ ba - trận quyết chiến chiến lược đập tan dã tâm xâm lược nước ta và mộng bá chủ thế giới của đế chế Nguyên Mông, giữ vững độc lập, tự chủ và mở ra nền văn hóa Đông A rực rỡ.
Để ghi nhớ công lao to lớn của các vị anh hùng và để bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, khu di tích lịch văn hóa tâm linh Tràng Kênh được đầu tư, tu bổ lại khang trang, uy nghi từ năm 2008, gồm: đền thờ Đức Vương Ngô Quyền, Linh từ Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Hoàng đế Lê Đại Hành, Đức Thánh Trần Hưng Đạo; trên núi Phượng Hoàng là nơi thờ Đức Phật tổ Như Lai, Đạt Ma, Bồ Tát, Phật Hoàng Trần Nhân Tông - người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba cùng các môn đệ sáng lập phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Việt Nam.
Quần thể này nằm trong khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử - Tràng Kênh - Bạch Đằng đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1962 và là một trong những di tích, cụm di tích được xếp hạng sớm nhất của Hải Phòng. Khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng xưa và nay, điểm sáng hội tụ nhiều tinh hoa của dân tộc. Trong tâm thức hằng nghìn năm của người Việt, Bạch Đằng đã trở thành mảnh đất thiêng đúng như lời ngợi ca của Phạm Sư Mạnh "Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu", nghĩa là hồn thiêng sông núi hội tụ nơi Bạch Đằng.
Hằng năm, khu di tích Tràng Kênh mở các lễ hội lớn như: ngày 14, 15 tháng Giêng (lễ khai ấn Đức Thánh Trần); ngày 20 tháng Tám âm lịch là ngày giỗ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; ngày 14 tháng Chạp là ngày khánh tân ngôi đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Ban Quản lý khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng cho hay: Từ khi được đầu tư, tu bổ lại khang trang, khu di tích này đã đón hàng triệu lượt du khách thập phương. Những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, đã có hàng vạn lượt du khách tới vãn cảnh, dâng hương tại khu di tích mỗi ngày. Điều khác biệt ở khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng là du khách không phải mất bất cứ một khoản phí dịch vụ nào. Khu di tích 3 không - không thu phí, không hàng quán và không rác thải.
Đến Núi Voi - một thành lũy bảo vệ thành phố Cảng trong suốt chiều dài lịch sử
Lễ hội truyền thống Núi Voi diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm, tại xã An Tiến và Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Khu di tích lịch sử danh thắng Núi Voi là một vùng non nước sơn thuỷ hữu tình, điểm đến của du khách trong và ngoài thành phố.
Nhiều hiện vật tìm được ở Núi Voi chứng minh người cổ ở đây xuất hiện rất sớm cuối thời đại đồ đồng, đầu thời đại đồ sắt cách đây khoảng 2500 năm... Là một trong những địa điểm khảo cổ học lớn ở miền ven biển Đông Bắc nằm giữa hành lang Đông Tây, giữa nền văn hoá Đông Sơn và văn hoá Hạ Long. Núi Voi là vùng đất cổ kính chứa đựng một kho tàng văn hoá phong phú, quê hương của nhiều danh tài, mặc sĩ. Nhiều công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền, miếu) được xây lại, từ thế kỷ 11-12 được sử sách ghi lại cùng với tháp Tường Long (Đồ Sơn) hình thành nên như một trong những trung tâm phật giáo đô hội sầm uất của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ, có danh nhân Bùi Mộng Hoa mở trường dạy học từ thế kỷ XI, cùng thời với Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Theo Bí thư Huyện ủy An Lão Nguyễn Đức Thọ: Núi Voi còn như một thành lũy bảo vệ thành phố Cảng trong suốt chiều dài lịch sử kháng chiến của ông cha. Các di tích, hang động khu quần thể Núi Voi đều gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố Hải Phòng trong quá trình đấu tranh, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Cảnh quan du lịch Núi Voi với thế mạnh về nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, văn hoá, đủ khả năng đáp ứng du khách suốt cả bốn mùa, góp phần làm đa dạng hoá thị trường, sản phẩm du lịch Hải Phòng.
Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp
Hải Phòng tự hào là thành phố cửa biển vùng Đông Bắc của Tổ quốc - nơi Nữ tướng Lê Chân sáng lập. Tương truyền, Nữ tướng Lê Chân quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai Thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, chính vì thế họ đã bị sát hại. Bà Lê Chân phải bỏ quê đến vùng An Dương, cửa sông Cấm lập trại khai phá. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà Lê Chân đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm Nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công.
Bà Đỗ Thanh Lê, Bí thư Quận ủy Lê Chân chia sẻ: Thời gian qua, quận Lê Chân tập trung xây dựng, bảo tồn di sản văn hóa; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan tăng cường quảng bá, hình thành và kết nối các điểm du lịch tâm linh giữa thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quần thể Nữ tướng Lê Chân đã trở thành điểm đến tâm linh, cầu sức khỏe, sung túc và bình an của nhân dân thành phố và khách thập phương.
Vào ngày 8 tháng Hai âm lịch hằng năm, sẽ diễn ra Lễ hội chính truyền thống Nữ tướng Lê Chân, được tổ chức tại quần thể khu di tích Nữ tướng Lê Chân, quận Lê Chân, gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, đền Nghè và đình An Biên. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 3/2016. Lễ hội nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào của người dân Hải Phòng và phát huy các nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống; đồng thời tôn vinh thân thế, sự nghiệp, tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa - thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại ngày nay.
Quần thể di tích lịch sử văn hóa Tràng Kênh - Bạch Đằng nằm dưới chân núi Phượng Hoàng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), nhìn ra cửa sông Bạch Đằng lịch sử. Khu di tích lưng tựa núi, chân đạp sông, mắt dõi biển Đông, thành điểm tựa tâm linh cho cả một vùng Đông Bắc. Tràng Kênh - Bạch Đằng, một bảo tàng sống động về chiến công hiển hách của cha ông ta chống giặc ngoại xâm và là nơi giáo dục trực quan về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của người dân đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nơi đây, năm 938, Ngô Quyền đã đại thắng quân Nam Hán làm nên trận Bạch Đằng lần thứ nhất, kết thúc trên 1.000 năm thống trị tàn ác của phong kiến phương Bắc, đưa nước ta vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Năm 981, Lê Đại Hành Hoàng Đế đã tái tạo trận Bạch Đằng lần thứ hai, chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất bảo vệ vững chắc nền độc lập chủ quyền của dân tộc. Đến năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với trận Bạch Đằng lần thứ ba - trận quyết chiến chiến lược đập tan dã tâm xâm lược nước ta và mộng bá chủ thế giới của đế chế Nguyên Mông, giữ vững độc lập, tự chủ và mở ra nền văn hóa Đông A rực rỡ.
Để ghi nhớ công lao to lớn của các vị anh hùng và để bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, khu di tích lịch văn hóa tâm linh Tràng Kênh được đầu tư, tu bổ lại khang trang, uy nghi từ năm 2008, gồm: đền thờ Đức Vương Ngô Quyền, Linh từ Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Hoàng đế Lê Đại Hành, Đức Thánh Trần Hưng Đạo; trên núi Phượng Hoàng là nơi thờ Đức Phật tổ Như Lai, Đạt Ma, Bồ Tát, Phật Hoàng Trần Nhân Tông - người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba cùng các môn đệ sáng lập phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Việt Nam.
Quần thể này nằm trong khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử - Tràng Kênh - Bạch Đằng đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1962 và là một trong những di tích, cụm di tích được xếp hạng sớm nhất của Hải Phòng. Khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng xưa và nay, điểm sáng hội tụ nhiều tinh hoa của dân tộc. Trong tâm thức hằng nghìn năm của người Việt, Bạch Đằng đã trở thành mảnh đất thiêng đúng như lời ngợi ca của Phạm Sư Mạnh "Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu", nghĩa là hồn thiêng sông núi hội tụ nơi Bạch Đằng.
Hằng năm, khu di tích Tràng Kênh mở các lễ hội lớn như: ngày 14, 15 tháng Giêng (lễ khai ấn Đức Thánh Trần); ngày 20 tháng Tám âm lịch là ngày giỗ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; ngày 14 tháng Chạp là ngày khánh tân ngôi đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Ban Quản lý khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng cho hay: Từ khi được đầu tư, tu bổ lại khang trang, khu di tích này đã đón hàng triệu lượt du khách thập phương. Những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, đã có hàng vạn lượt du khách tới vãn cảnh, dâng hương tại khu di tích mỗi ngày. Điều khác biệt ở khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng là du khách không phải mất bất cứ một khoản phí dịch vụ nào. Khu di tích 3 không - không thu phí, không hàng quán và không rác thải.
Đến Núi Voi - một thành lũy bảo vệ thành phố Cảng trong suốt chiều dài lịch sử
Lễ hội truyền thống Núi Voi diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm, tại xã An Tiến và Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Khu di tích lịch sử danh thắng Núi Voi là một vùng non nước sơn thuỷ hữu tình, điểm đến của du khách trong và ngoài thành phố.
Nhiều hiện vật tìm được ở Núi Voi chứng minh người cổ ở đây xuất hiện rất sớm cuối thời đại đồ đồng, đầu thời đại đồ sắt cách đây khoảng 2500 năm... Là một trong những địa điểm khảo cổ học lớn ở miền ven biển Đông Bắc nằm giữa hành lang Đông Tây, giữa nền văn hoá Đông Sơn và văn hoá Hạ Long. Núi Voi là vùng đất cổ kính chứa đựng một kho tàng văn hoá phong phú, quê hương của nhiều danh tài, mặc sĩ. Nhiều công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền, miếu) được xây lại, từ thế kỷ 11-12 được sử sách ghi lại cùng với tháp Tường Long (Đồ Sơn) hình thành nên như một trong những trung tâm phật giáo đô hội sầm uất của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ, có danh nhân Bùi Mộng Hoa mở trường dạy học từ thế kỷ XI, cùng thời với Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Theo Bí thư Huyện ủy An Lão Nguyễn Đức Thọ: Núi Voi còn như một thành lũy bảo vệ thành phố Cảng trong suốt chiều dài lịch sử kháng chiến của ông cha. Các di tích, hang động khu quần thể Núi Voi đều gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố Hải Phòng trong quá trình đấu tranh, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Cảnh quan du lịch Núi Voi với thế mạnh về nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, văn hoá, đủ khả năng đáp ứng du khách suốt cả bốn mùa, góp phần làm đa dạng hoá thị trường, sản phẩm du lịch Hải Phòng.
Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp
Hải Phòng tự hào là thành phố cửa biển vùng Đông Bắc của Tổ quốc - nơi Nữ tướng Lê Chân sáng lập. Tương truyền, Nữ tướng Lê Chân quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai Thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, chính vì thế họ đã bị sát hại. Bà Lê Chân phải bỏ quê đến vùng An Dương, cửa sông Cấm lập trại khai phá. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà Lê Chân đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm Nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công.
Bà Đỗ Thanh Lê, Bí thư Quận ủy Lê Chân chia sẻ: Thời gian qua, quận Lê Chân tập trung xây dựng, bảo tồn di sản văn hóa; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan tăng cường quảng bá, hình thành và kết nối các điểm du lịch tâm linh giữa thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quần thể Nữ tướng Lê Chân đã trở thành điểm đến tâm linh, cầu sức khỏe, sung túc và bình an của nhân dân thành phố và khách thập phương.
Vào ngày 8 tháng Hai âm lịch hằng năm, sẽ diễn ra Lễ hội chính truyền thống Nữ tướng Lê Chân, được tổ chức tại quần thể khu di tích Nữ tướng Lê Chân, quận Lê Chân, gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, đền Nghè và đình An Biên. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 3/2016. Lễ hội nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào của người dân Hải Phòng và phát huy các nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống; đồng thời tôn vinh thân thế, sự nghiệp, tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa - thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại ngày nay.
Đoàn Minh Huệ
TTXVN