Lãnh đạo thị xã Chí Linh dâng hương tưởng niệm Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Pháp Loa. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN |
Đệ nhị tổ Pháp Loa còn có tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân (1284), niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương). Đến năm Hưng Long 13 (1304), khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi thăm hương Cửu La, Đồng Kiên Cương ra bái yết. Nhận thấy cốt cách của Kiên Cương, Trần Nhân Tông đã cho đi theo tu hành, học đạo và đặt cho tên là Hỉ Lai. Hỉ Lai thông minh, hiếu học có nhiệt tâm với đạo phật nên chỉ một năm sau tại liêu Kỳ Lân (nay là thị xã Chí Linh) ông được Trần Nhân Tông ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1306), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa các bảo bối và đến ngày mồng 1 tháng Giêng năm Hưng Long 16, trước khi viên tịch Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm cho ông. Từ đó ông trở thành vị Tổ thứ 2 của Thiền phái này.
Quang cảnh Lễ tưởng niệm. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN |
Đến năm Khai Hựu thứ 2 (năm 1330) Pháp Loa mắc bệnh và trao bảo bối mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao cho mình trước đây như áo cà sa, kệ tả tâm cho Huyền Quang là người kế vị thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Đến ngày 3 tháng 3, Pháp Loa viên tịch tại viện Quỳnh Lâm và xá lị của ngài được đặt trong tháp ở phía sau chùa Thanh Mai.
Sau này, Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút đặt tên hiệu cho Pháp Loa là Tĩnh Trí Tôn giả, đặt tên tháp là Viên Thông, xuất ngân khố 10 lạng vàng cho xây tháp và làm một bài thơ viếng đầy cảm xúc. Kể từ đó sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm do Huyền Quang chủ trì và trở thành vị tổ thứ 3 của Thiền phái này. Huyền Quang từng trụ trì chùa Thanh Mai 6 năm.
Trong hơn 20 năm đứng đầu Thiền phái, Pháp Loa đã cùng với các đệ tử, chư tăng đi giảng kinh khắp nơi, đưa dòng thiền này phát triển, lan tỏa sâu rộng trong dân gian. Nhiều ngôi chùa đã được xây dựng, nhiều tượng được đúc. Đệ nhị tổ Pháp Loa đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc với hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ, xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này bây giờ đều trở thành những trung tâm tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa quý báu của đất nước. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Địa Tạng và dành nhiều giờ thuyết pháp, giảng kinh.
Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 1 đến ngày 3/3 âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa thể thao và trò chơi dân gian.
Mạnh Tú
TTXVN