Trưng bày chuyên đề được chia thành hai nội dung: Giới thiệu di tích, nhân vật thời Lý-Trần trên đất Hải Dương và trưng bày cổ vật, những phát hiện khảo cổ học từ thế kỷ XI - XIV tại Hải Dương. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã giới thiệu tới công chúng gần 300 hiện vật, hình ảnh được sưu tầm, khai quật, nghiên cứu bảo quản trong nhiều năm qua.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, hoạt động trưng bày diễn ra đến ngày 5/12, nhằm khởi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa. Nơi đây được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí chiến lược và từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong những địa chỉ du lịch thu hút đông khách nhất của tỉnh Hải Dương. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Đến nay, Hải Dương vẫn bảo tồn, lưu giữ được nhiều giá trị di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc với trên 2.000 di tích, hơn 700 lễ hội truyền thống, hàng trăm nghề cổ truyền…Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có hệ thống di sản văn hóa thời Lý - Trần với hơn 220 di tích được khởi dựng hoặc thờ các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử; trong đó 93 di tích liên quan đến thời Lý, 127 di tích liên quan đến thời Trần. Những di tích đó là nơi thờ các nhân vật nổi tiếng hoặc địa điểm ghi dấu ấn sự kiện lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược như: Phòng tuyến chống Tống (thế kỷ XI), phòng tuyến Vạn Kiếp với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (thế kỷ XIII); các địa danh gắn liền với tên tuổi của các bậc vĩ nhân như: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, An Sinh Vương Trần Liễu, Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Mạc Đĩnh Chi…; nơi thuyết pháp giảng đạo của 3 vị tổ thiền phái Trúc Lâm ở chùa Côn Sơn (Chí Linh), chùa Thanh Mai (Chí Linh), Hào Xá (Thanh Hà), Minh Khánh (Thanh Hà)...
Hiền Anh
TTXVN