Hà Nội: Vai trò quan trọng của nghệ nhân đối với di sản văn hóa phi vật thể

Trình diễn di sản ca trù tại tọa đàm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Trình diễn di sản ca trù tại tọa đàm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Ngày 27/9, tại tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, các cơ quan quản lý văn hóa, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và đông đảo nghệ nhân đều khẳng định, vai trò quan trọng của nghệ nhân trong lĩnh vực này. Nghệ nhân Dân gian là những người nắm giữ kiến thức, bí quyết thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Bởi vậy, việc gìn giữ, truyền dạy, sáng tạo và phát huy giá trị di sản phụ thuộc rất lớn vào họ.

Hà Nội: Vai trò quan trọng của nghệ nhân đối với di sản văn hóa phi vật thể ảnh 1

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đinh Thuận – TTXVN

Tại tọa đàm, những người làm văn hóa cũng đề cập đến việc đẩy mạnh vai trò tích cực của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản xây dựng và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các cơ quan quản lý văn hóa cũng tuyên truyền chủ trương, nhiệm vụ, kế hoạch của Trung ương và thành phố trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, thành phố đã chi đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Đến nay, 14/18 Nghệ nhân Nhân dân và 101/113 Nghệ nhân Ưu tú đã nhận được kinh phí đãi ngộ theo nghị quyết của HĐND thành phố với tổng kinh phí 3,59 tỷ đồng. Hoạt động này có ý nghĩa to lớn, kịp thời động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị các di sản đang nắm giữ. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ kiện toàn, thành lập các câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; từ đó có thể được hưởng chế độ hỗ trợ với mức 50 triệu đồng/câu lạc bộ lần đầu thành lập và 20 triệu đồng hàng năm để hoạt động. Đến nay, đã có 2 câu lạc bộ được thành lập là: Câu lạc bộ Trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và Câu lạc bộ Ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Ngoài ra có 10 câu lạc bộ đã thành lập Ban vận động và đang hoàn thiện thủ tục thành lập câu lạc bộ theo quy định như: Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, Chanh Thôn, Múa bồng Triều Khúc, Tuồng Xuân Nộn… Đồng thời, thành phố còn bố trí kinh phí cho các nghệ nhân thực hiện truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Hà Nội: Vai trò quan trọng của nghệ nhân đối với di sản văn hóa phi vật thể ảnh 2Trình diễn di sản ca trù tại tọa đàm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố thông tin về “Cuộc thi sáng tác lời thơ mới cho các thể cách hát nói trong ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”. Kế hoạch và thể lệ cuộc thi đã được ban hành tới các quận, huyện, thị xã và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nghệ nhân.

Đinh Thuận

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm