Tối 26/9, tại xã Hồng Quang, UBND huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ đón nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình được công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, với khoảng 840 nhân khẩu. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức hàng năm vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới hoặc khi vào vụ thu hoạch lúa mùa tháng 10, tháng 11 âm lịch. Bởi theo quan niệm của người Pà Thẻn xưa, tổ chức nhảy lửa vào lúc này là để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật. Đốm lửa được đốt lên cũng sẽ giúp xua đi ma tà, quỷ dữ và cái lạnh lẽo của mùa đông.
Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao chứng nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Lâm Bình.
Thầy cúng Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình cho biết, Lễ nhảy lửa để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt cho các thế hệ người Pà Thẻn. Phần đầu thầy cúng sẽ gọi mời thần linh tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Phần hai là nghi lễ nhảy lửa, một đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy cùng đống than hồng, dùng cả tay và chân trần cho tới khi tàn lửa. Điều huyền bí nhất của lễ nhảy lửa là các chàng trai Pà Thẻn đã dũng mãnh nhảy những bước chân trần trên than hồng mà không hề bị bỏng.
Để làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị di sản, thu hút khách du lịch, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức rõ việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đem lại lợi ích trong phát triển kinh tế; nâng cao đời sống của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 16 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nhiều lễ hội được phục dựng và tổ chức thường niên, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự.
Quang Cường
Tên tự gọi: Pà Hưng.
Tên gọi khác: Mèo Lài, Mèo Hoa, Mèo Ðỏ, Bát tiên tộc...
Dân số: 6.811 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Thuộc ngữ hệ Hmông-Dao.
Lịch sử: Theo truyền thuyết, người Pà Thẻn ở vùng Than Lô (Trung Quốc) đến Việt Nam cách đây khoảng 200-300 năm với câu chuyện vượt biển cùng người Dao.
Hoạt động sản xuất: Trước kia người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nương rẫy. Phương thức canh tác là phát đốt rồi chọc lỗ, tra hạt. Cây trồng gồm lúa, ngô và các loại rau, đậu, khoai sọ, khoai môn. Công cụ sản xuất là rìu, cuốc, dao. Do sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là những lúc mất mùa, giáp hạt, người Pà Thẻn vẫn phải lên rừng đào củ mài, củ nâu... Vì thế hái lượm còn đóng vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế. Nghề dệt của họ có từ lâu đời, sản phẩm dệt được nhiều dân tộc xung quanh ưa thích. Ðàn ông thường đan lát, làm mộc. Người Pà Thẻn chăn nuôi các loại gia súc và gia cầm như: trâu, bò, dê, lợn, gà. Ngoài phục vụ nhu cầu sức kéo, chăn nuôi còn nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng và lễ nghi tôn giáo.
Ăn: Người Pà Thẻn chủ yếu ăn cơm tẻ, ngày hai bữa chính, thích các món ăn luộc hay xào.
Mặc: Bộ trang phục của phụ nữ Pà Thẻn còn giữ được nhiều yếu tố riêng. Bộ trang phục của phụ nữ gồm: áo, váy, khăn trong và khăn ngoài, màu sắc rất sặc sỡ. Một số mô típ trang trí trên quần áo của họ cũng gần giống như của người Dao.
Ở: Hiện họ cư trú tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Tuỳ từng nơi, người Pà Thẻn quen ở nhà sàn, nhà nền đất hay nửa sàn nửa nền đất. Hiện nay nhiều nơi đồng bào đã dựng nhà cột kê khang trang, vững chãi.
Phương tiện vận chuyển: Gánh là cách vận chuyển chính của người Pà Thẻn.
Quan hệ xã hội: Quan hệ xóm giềng giữ vai trò chủ đạo. Thôn xóm hoà thuận, các gia đình thường quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, đổi công cho nhau những lúc thời vụ hay những công việc cần lao động. Trong một bản của ngươi Pà Thẻn có nhiều dòng họ cùng cư trú, trong đó thường có một dòng họ lớn nhất. Người Pà Thẻn có 8 họ gốc và một số họ khác của ngươi Dao (Bàn, Triệu). Mỗi họ chia ra nhiều chi họ gắn với truyền thuyết riêng.
Cưới xin: Gia đình một vợ một chồng bền vững. Việc lấy nhau giữa những người cùng họ bị nghiêm cấm ngặt. Rất hiếm các trường hợp người chồng lấy vợ hai, vợ chồng ít khi ly dị. Việc ngoại tình bị xã hội lên án. Từ khi dạm hỏi cho đến lễ cưới phải qua nhiều nghi lễ. Có hai hình thức ở rể là ở rể tạm thời (tối đa 12 năm) và ở rể đời - sang ở hẳn bên nhà vợ, con mang họ mẹ.
Ma chay: Khi có người chết thì người nhà bắn ba phát súng báo hiệu, sau đó tiến hành khâm liệm. Lễ vật dùng cho đám ma do con đã có chồng đưa đến phúng viếng. Mỗi người viếng một con lợn khoảng 25 kg, nhà nghèo thì chỉ 7 con gà trống. Quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng. Trong quan tài có đổ gạo rang, phủ giấy bản rồi mới đóng chốt hạ huyệt.
Thờ cúng: Người Pà Thẻn tin vào sự tồn tại của các siêu linh, vạn vật có linh hồn. Ma quỷ, thần thánh gồm hai loại: lành dữ. Loại lành gồm các thần ở trên trời, tổ tiên, thổ địa...; loại ma dữ như ma sông, ma suối, ma của người chết bất đắc kỳ tử... chúng thường phá hoại mùa màng, làm hại gia súc.
Chủ yếu là thờ cúng tổ tiên trong nhà. Bàn thờ làm bằng tấm gỗ hình chữ U lộn ngược. Mặt bàn để một bát hương và một bát nước lã. Người Pà Thẻn có nhiều tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp như: cúng trước khi tra hạt, lễ cúng cơm mới. Truyền thuyết về sự xuất hiện của cây lúa là do 3 con vật: chó, mèo, lợn lấy trộm giống lúa trên trời về cho con người, nên khi cúng cơm mới phải cho 3 con vật trên ăn trước. Khi hạn hán lâu, dân bản làm lễ cầu mưa. Các nghi lễ liên quan đến chăn nuôi, săn bắn cũng được chú trọng.
Lễ tết: Người Pà Thẻn ăn tết nguyên đán và các tết như các dân tộc khác ở vùng Ðông Bắc.
Lịch: Vận dụng âm lịch trong sản xuất, đời sống.
Học: Nhiều người biết đọc, viết chữ Nôm Tày, Nùng.
Văn nghệ: Ðời sống văn nghệ phong phú như ca hát, thổi sáo và các trò chơi dân gian.
Theo cema.gov.vn