Hà Nội sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Sơ chế, bảo quản rau cung cấp cho thị trường tại Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức.
Sơ chế, bảo quản rau cung cấp cho thị trường tại Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức.

Thời gian qua, việc phát triển sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng sản phẩm OCOP Hà Nội (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã góp phần nâng cao chất lượng, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể, đơn vị, hộ sản xuất, qua đó giúp cải thiện thu nhập và đời sống của bà con nông dân…

Hà Nội sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP ảnh 1Bà con nông dân thu hoạch rau ở Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Theo chia sẻ của Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh (HTX Văn Đức), Văn Đức là một xã ở ngoài đê sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm được phù sa bồi đắp. Vì vậy, đất đai ở đây rất phù hợp cho sản xuất rau, màu các loại. Với diện tích đất sản xuất trên 300 ha, trong đó 250 ha dùng để trồng rau, hơn 1.000 hộ thành viên tham gia sản xuất, sản lượng hằng năm đạt trên 30.000 tấn rau ăn lá, củ, quả các loại thì việc tuyên truyền, chỉ đạo sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm rau Văn Đức, liên kết tiêu thụ là vô cùng quan trọng trong quy trình sản xuất của nông dân.

Để bảo đảm chất lượng rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, khâu giám sát đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, các đơn vị như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, huyện Gia Lâm đã phối hợp với HTX Văn Đức tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, chỉ đạo các tổ, nhóm tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn nông dân sản xuất hằng ngày trên đồng ruộng về quy trình sản xuất rau an toàn, VietGAP, sản phẩm OCOP. Qua đó, bà con nông dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện tốt quy trình sản xuất, góp phần giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất đã nâng cao chất lượng rau an toàn của HTX Văn Đức, từ đó tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, các thương lái và người tiêu dùng, sản phẩm bán ra dễ dàng hơn, giá cao hơn so với thị trường các địa phương khác cùng trồng rau từ 15 đến 20%. Đặc biệt, nhờ sản xuất rau an toàn, môi trường sản xuất và môi trường sống xung quanh được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân được nâng lên. Kết quả, trên 220ha sản xuất rau của nông dân là thành viên HTX Văn Đức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, rau VietGAP và chất lượng sản phẩm OCOP.

Hà Nội sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP ảnh 2Sơ chế, bảo quản rau cung cấp cho thị trường tại Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức.

Để bảo đảm việc sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP của nông dân có tính ổn định, HTX Văn Đức đã chủ động liên kết với một số hệ thống siêu thị, thương lái, công ty kinh doanh thực phẩm đưa rau vào bếp ăn... Cùng với đó, HTX Văn Đức còn tổ chức cho khách hàng tiêu thụ rau tham quan để họ biết được về quy trình sản xuất, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm rau cung cấp. Qua tham quan thực tế, khách hàng có thể đánh giá được quy trình sản xuất thông qua sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng và giám sát thực tế… Việc phối hợp, liên kết chuỗi sản xuất, dám chịu trách nhiệm với sản phẩm đầu ra giúp HTX Văn Đức tạo được uy tín với khách hàng. Bà con nông dân cũng nhờ đó yên tâm sản xuất, hằng năm cung cấp ra thị trường từ 2.000 - 3.000 tấn rau các loại.

Năm 2019, đã có 7 sản phẩm rau của HTX Văn Đức tham gia Chương trình OCOP gồm: Cải bắp, cải thảo, lơ xanh, lơ trắng, mướp đắng, đậu cô ve, cải ngọt, tất cả đều đạt tiêu chuẩn 4 sao. Năm 2020, HTX Văn Đức có 10 sản phẩm tham gia, qua chấm điểm phân hạng đã có 5 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của HTX Văn Đức trong quá trình sản xuất để tạo ra được những sản phẩm đặc trưng địa phương, có chất lượng cao, cạnh tranh được trên thị trường. Hiện sản phẩm rau an toàn của HTX Văn Đức đã được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, mỗi năm từ 300 - 500 tấn, giá cao hơn so với thị trường trong nước từ 20%. Đây là hướng đi đúng, trúng với tình hình sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế, giúp nông dân có đầu ra ổn định và yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn và liên kết chuỗi tiêu thụ, các đơn vị cần tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ Nano... từ khâu giống, trồng trọt, đóng gói đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất, ứng dụng đồng bộ các công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp (hợp tác xã chuyên ngành) để làm đầu mối tiếp nhận ứng dụng kỹ thuật mới và chuyển giao cho các thành viên hợp tác xã, trong đó đơn vị chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật phải xác định là một "mắt xích" không thể tách rời trong chuỗi liên kết, chịu trách nhiệm cùng hợp tác xã hướng dẫn thành viên sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản để có được sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của đơn vị phân phối tiêu thụ.

Đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm cần làm tốt công tác dự tính, dự báo thị trường tiêu thụ, yêu cầu rõ về số lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để làm cơ sở cho đơn vị chuyển giao. Hợp tác xã và nhà sản xuất áp dụng công nghệ phù hợp và giá thành hợp lý nhất để tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thực hiện: Thiện Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm