Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ phát triển điểm đến du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái mà còn đem lại sinh kế cho nông dân. Với vùng ngoại thành rộng lớn gồm 18 huyện, thị xã, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thành phố cũng xác định đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch này theo hướng đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút khách.
Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 5 hợp tác xã chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm gồm: Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), Hợp tác xã rau Đường Lâm, Hợp tác xã dịch vụ du lịch Đồng Mô (thị xã Sơn Tây), Hợp tác xã trải nghiệm xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) và Hợp tác xã Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Thành phố công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây); công nhận hai sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ngoài ra, các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu vực núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)…
Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành điểm đến thu hút khách, nhất là đối với học sinh và giới trẻ. Không chỉ được tận hưởng không gian, cảnh quan của vùng nông thôn, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động gắn với nông nghiệp, thưởng thức sản phẩm do chính tay mình chế biến, tăng thêm vốn hiểu biết về nông nghiệp… Tại các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đời sống người dân cũng dần thay đổi nhờ vào làm dịch vụ du lịch.
Tuy vậy, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội chủ yếu vẫn phát triển tự phát, không có quy hoạch nên chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của điểm đến. Sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa chú trọng về xây dựng thương hiệu. Phần lớn các hộ gia đình tại khu vực nông thôn chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có đủ các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Hệ thống cơ sở vật chất du lịch nông nghiệp nông thôn chưa phát triển đồng bộ, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng...
Hiện nay, Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 đang được triển khai thực hiện. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở phối hợp với các địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền vững, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho khách du lịch. Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù; xây dựng điểm đến du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái của các huyện, thị xã.
Việc ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang được ngành Du lịch cũng như các địa phương của Thủ đô triển khai. Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương.
Đinh Thuận