Ấm trà không chỉ là một vật dụng, còn là đồ trang trí làm sang trọng thêm cho không gian phòng khách. Không chỉ ngày Tết, bộ ấm và cách pha trà, phần nào cũng thể hiện phong cách sống và gu thẩm mỹ của gia chủ. Bộ ấm trà rất gần gũi quen thuộc với văn hóa của người Việt như vậy, những tưởng không có gì mới lạ nhưng nay tại làng Bát Tràng có một nghệ nhân thế hệ 7x, đang ngày đêm dành tình yêu cho gốm, miệt mài bên nắm đất phù sa sông Hồng để chế tác ra những chiếc ấm trà đẹp mắt, được tiêu thụ tại thị trường khó tính trên thế giới.
Sinh ra trong một gia đình làm gốm nhiều đời tại làng Bát Tràng, Gia Lâm (Hà Nội), từ trong bụng mẹ đến lúc chào đời cậu bé Phạm Thế Anh đã "tiếp xúc" với khuôn mẫu, men, đất... của nghề làm gốm, sứ. Khi trưởng thành, Thế Anh cũng cũng theo nghề làm gốm "cha truyền con nối" nhưng không tạo được nét riêng biệt. Cho đến năm khoảng 40 tuổi, anh đã quyết định chọn hướng đi riêng cho mình là chuyên làm ấm pha trà.
Dù chọn cho mình một hướng đi riêng biệt nhưng người đàn ông sinh năm 1975 cũng chưa nguôi ngoai ý nghĩ, phải làm sao cho chiếc ấm pha trà của Bát Tràng - Việt Nam sánh được với loại ấm nổi tiếng trên thế giới, trong đó có tử sa của Trung Quốc. Suy nghĩ như vậy, anh đã đi nhiều nơi ở trong nước và sang cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm hiểu về chất đất, cách thức pha chế đất, cách làm khuôn, tráng men, vẽ đắp họa tiết… để sản xuất ấm pha trà. Đồng thời, anh còn để tâm nghiên cứu, phân tích tỷ lệ sắt, chì và những yếu tố khác trong đất ở các nơi đã đi qua, xem có sự khác biệt gì so với đất và cát sông Hồng.
Tưởng rằng những thứ đã học được sẽ giúp Phạm Thế Anh thành công nhưng khi “thực chiến”, những sản phẩm ra lò không như mong đợi về thẩm mỹ và kỹ thuật. Thế Anh kể, nhiều đêm không ngủ anh đã mang những chiếc ấm bị lỗi ra nghiên cứu, trăn trở, coi như một trải nghiệm với gốm. Để rồi khi làm ấm bằng nhiệt huyết và niềm kiêu hãnh cũng như qua đúc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, anh đã làm chủ được công nghệ, kỹ thuật để tạo ra những chiếc ấm "độc nhất vô nhị" tại Bát Tràng mang tên hồng sa, được đăng ký bản quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Giải thích về cái tên hồng sa, nghệ nhân Thế Anh với dáng vẻ của một người thợ gốm cá tính mở to đôi mắt nhìn thẳng người đối diện, tự hào nói: "Tôi không qua các trường đại học mỹ thuật, xây dựng, kiến trúc nào nhưng sinh ra bên dòng sông Cái - con sông đã mang phù sa, mang ấm no cho người làng gốm Bát Tràng nên đã thôi thúc tôi làm ra sản phẩm gốm mang tên dòng sông Hồng. Nhiều ngày tôi đã đi dọc sông Hồng ngắm những dòng phù sa bồi đắp, cùng những đụn cát mênh mông nên đã nuôi ý tưởng từ đây mình sẽ tìm một loại đất mới cho gốm với mục đích ghép tên sông và tên những ngọt lành được kết tinh từ dòng sông ấy: hồng sa làm nên gốm".
"Vì hồng sa rất khó liên kết, kết khối nên khi có tỷ lệ nhiều sẽ bị vỡ nứt, không chịu được nhiệt độ nung cao dẫn tới biến dạng, nên trước đây thời ông cha mình, nhiều người đã đưa hồng sa vào sản phẩm nhưng với tỷ lệ rất nhỏ khoảng 5%, chỉ để tráng lên bề mặt gốm. Nhưng hiện nay, tôi đã đưa 80% hồng sa vào sản phẩm gốm mà vẫn chịu được nhiệt độ nung cao và không bị phá dáng của sản phẩm”.
Theo nghệ nhân Phạm Thế Anh, để có được sự khác biệt, ngoài bí quyết nhà nghề, còn có sự hỗ trợ của công nghệ. Khi mang phù sa về, đất và cát sẽ trải qua các khâu xử lý nhào luyện kỹ, nhiều ngày bằng thủ công và máy móc, đến mức nhuyễn, sạch không còn tạp chất chỉ còn "tinh" của phù sa mới đủ tiêu chuẩn làm ấm. Sau đem nung ở khoảng 1.000 độ C, ấm già đanh, khi gõ nhẹ vào thành ấm trà tạo nên âm thành nghe như tiếng chuông – thứ âm thanh báo hiệu độ bền của chất liệu đất đã được luyện theo tiêu chuẩn cao.
Phạm Thế Anh tâm niệm, chiếc ấm là vật dụng nhỏ bé nhưng rất quen thuộc với người Việt Nam, ngoài cái đẹp, bền, cần đạt tiêu chí sạch để mỗi khi thưởng thức chén trà sẽ đem lại nguồn năng lượng tươi mới cho mỗi người. Không chỉ quan tâm đến chất đất, vẻ đẹp bề ngoài, “cha đẻ” của ấm hồng sa còn đi sâu nghiên cứu, để nâng tầm ấm trà Việt với tiêu chí khi rót nước không bị rớt ra ngoài, hoặc chảy ra ngoài thành ấm, hay không bị tắc vì vướng bã chè... Nói về nắp ấm, nghệ nhân say sưa: "ấm và nắp là phải đi cùng nhau không thể tách rời để tạo độ khít. Khít đến mức, khi đổ nước đầy ấm, nếu lấy ngón tay bịt lỗ thông hơi trên nắp, và dốc nghiêng ấm, nước cũng sẽ không chảy ra vòi".
Hiện, Phạm Thế Anh đã chế tác ra hàng trăm loại ấm hồng sa, với nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau. Năm 2017 anh được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu nghệ nhân; được tặng thưởng danh hiệu "Bàn tay vàng". Từ vài năm nay, đối tác Nhật Bản đã đặt hàng Phạm Thế Anh sản xuất hàng triệu chiếc ấm hồng sa để tiêu thụ tại đất nước "Mặt trời mọc". Người nghệ nhân này cho biết đang hướng tới tiêu thụ sản phẩm ở Hàn Quốc, Đan Mạch…, với mong muốn Bát Tràng - Việt Nam có tên trên bản đồ gốm, sứ nổi tiếng thế giới.
Nhân ngày Tết đến Xuân về, nói về văn hóa uống trà và sử dụng ấm trà, nghệ nhân làng Bát Tràng cho biết, dù sản xuất nhiều loại ấm trà, nhưng anh đang tâm đắc với chiếc ấm trà có kiểu dáng tay ngang và ấm thiền. Anh giải thích rằng, chiếc ấm tay ngang là trọng tâm chiếc ấm đặt ở tay cầm và có thể dựng lên được này. Từ việc ấm có thể đứng lên bằng quai ấm, thể hiện khi uống trà là “thăng bằng tâm”, tập trung vào thưởng trà, không phân biệt bề bậc, an nhiên với hiện tại. Theo nghệ nhân Phạm Thế Anh, người Việt Nam, vốn trọng khách nên ấm tay ngang khi rót hướng vòi nước vào trong lòng, sau đó lấy chén từ phía lòng người rót ra mời khách, như thể lấy nước từ tâm mình ra mời khách vậy.
Ngày Xuân, trong tiết trời se lạnh, dạo quanh làng cổ hơn 800 năm tuổi đang bày bán và sản xuất rất nhiều loại ấm pha trà, nhưng ấm hồng sa của Phạm Thế Anh ẩn chứa một hình ảnh Bát Tràng khác lạ. Từ cục đất thô mộc, qua bàn tay của nghệ nhân đã trở thành sản phẩm nhiều ý nghĩa, làm cho hương sắc của đất phù sa sông Hồng được tỏa ra với thế giới.
Mạnh Khánh