Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại Bát Tràng

Cắt băng khai mạc điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Anh-TTXVN
Cắt băng khai mạc điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Ngày 8/10, tại Khu tinh hoa làng nghề Việt xã Bát Tràng - Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức khai mạc điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là một trong các hoạt động chào mừng 66 năm ngày giải phóng Thủ đô, Đại hội Đảng thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại Bát Tràng ảnh 1Cắt băng khai mạc điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Huyện Gia Lâm có 5 làng nghề truyền thống của Hà Nội; trong đó, nổi tiếng là làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Năm 2019, huyện có 6 chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, có 19 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên gồm gốm sứ, rau củ quả an toàn và các sản phẩm chế biến khác.

Điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại khu tinh hoa làng nghề Việt sẽ làm điểm quảng bá tốt các sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề không chỉ của huyện Gia Lâm mà còn nhiều quận, huyện, thị xã khác của thành phố Hà Nội. Sau khi đi vào hoạt động, điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP này còn được Sở Công Thương Hà Nội kết nối để đưa các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố khác đến giới thiệu tại đây.

Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của huyện Gia Lâm đều là các sản phẩm đều đạt thứ hạng từ 3 sao trở lên, các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực, các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương.

Việc này được coi là phương thức đảm bảo, kết nối người tiêu dùng trong nhận diện chất lượng từng loại sản phẩm OCOP. Thông qua các địa chỉ này, các sản phẩm OCOP của Hà Nội sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, làm cơ sở để các hợp tác xã, các doanh nghiệp, các đơn vị và bà con nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Gia Lâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định.

Năm 2019, huyện đã có 19 sản phẩm được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao... Năm 2020, huyện tiếp tục đánh giá, phân hạng 30 sản phẩm mới, hoàn thiện hồ sơ năm sản phẩm tiềm năng 5 sao trình Trung ương xem xét và quyết định.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với lợi thế nằm trên địa bàn làng nghề truyền thống. Đồng thời, là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông khách du lịch, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại xã Bát Tràng hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn cũng như quảng bá tốt các sản phẩm làng nghề.

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã mở 5 điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP ngành thủ công mỹ nghệ của Thủ đô được đưa vào hoạt động tại quận Hà Đông.

Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội có bao bì, nhãn mác đẹp, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể, rõ ràng đã xây dựng được uy tín trên thị trường. Tuy thành công bước đầu nhưng những sản phẩm này chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Do vậy, việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các địa phương trong thành phố là hết sức cần thiết, giúp sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục cùng UBND huyện Quốc Oai tổ chức khai trương các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP vào dịp kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng Thủ đô, chào mừng Đại hội Đảng Thành phố lần thứ XVII.

Theo kế hoạch, năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ khai trương 25 điểm. Năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội xây dựng Kế hoạch sẽ khai trương khoảng 60-70 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các Hiệp hội ngành nghề để mạng lưới điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP của thành phố ngày càng được mở rộng và phát triển. Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đưa các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đó giới thiệu đến người dùng Thủ đô tại các điểm bán này.

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại Bát Tràng ảnh 2 Các sản phẩm OCOP tại điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2019, Hà Nội có 301 sản phẩm của 18 quận, huyện, thị xã được phân hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 6 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia, 207 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Từ lợi thế này, Hà Nội phấn đấu năm 2020 sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp hạng cấp thành phố (hạng 3 - 4 sao), 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia (hạng 5 sao).

Nam Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm