Hà Giang: Mô hình trồng cây cỏ ngọt SV1 cho thu nhập cao

Hà Giang: Mô hình trồng cây cỏ ngọt SV1 cho thu nhập cao

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đến với người dân, giúp thay đổi tập quán canh tác và cách tiếp cận của người dân trong chuyển đổi diện tích đất canh tác cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích. Cùng với đó, được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành và một số đơn vị, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị triển khai dự án xây dựng mô hình phát triển sản xuất cỏ ngọt SV1 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Anh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang, năm nay là năm thứ 2 thực hiện mô hình này, kết quả cho thấy việc trồng cây cỏ ngọt đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho nông dân.

Với quy mô triển khai khoảng 10 ha tại thị trấn Vị Xuyên và xã Việt Lâm của huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) với 15 hộ tham gia thực hiện, nhà nước đầu tư hỗ trợ 50% cây giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật và 30% phân bón hoá học; nhân dân đối ứng 50% cây giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật và 70% phân bón hoá học và 100% công lao động. Qua thời gian triển khai mô hình, cây cỏ ngọt SV1 sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Hà Giang: Mô hình trồng cây cỏ ngọt SV1 cho thu nhập cao ảnh 1 Các đại biểu tham quan mô hình trồng cỏ ngọt SV1 của gia đình ông Vi Quốc Nam tại thôn Trung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Ông Vi Quốc Nam, thôn Trung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình, ông Nam chia sẻ, trước đây, với khoảng 1.000 m2 đất của gia đình trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, từ khi chuyển sang trồng cỏ ngọt, gia đình nhận thấy nguồn thu nhập tăng đáng kể.

Về tốc độ sinh trưởng, trung bình khoảng 2 tháng, gia đình sẽ thu hoạch một lần, với diện tích 1.000 m2 thì mỗi lần sẽ thu hoạch được từ 400 - 500 kg, với mức giá bán 6.000 đồng/kg như hiện nay thì hiệu quả kinh tế đem lại lớn hơn trồng ngô rất nhiều. Hơn nữa, cây cỏ ngọt này dễ chăm sóc, không mất quá nhiều công sức, sau khi thu hoạch, cây tiếp tục sinh trưởng và không phải trồng lại thường xuyên.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang, nếu người dân chăm sóc, đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tập huấn thì trồng 1 ha cỏ ngọt cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, 1 ha cho lợi nhuận 140 - 150 triệu đồng. Hơn nữa, từ năm thứ 2 trở đi, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng do cây cỏ ngọt cho thu hoạch 3 năm mới phải trồng lại, nên không mất chi phí đầu tư ban đầu về giống, công làm đất, cấy cây…

Hà Giang: Mô hình trồng cây cỏ ngọt SV1 cho thu nhập cao ảnh 2Mô hình trồng cỏ ngọt SV1 của gia đình ông Vi Quốc Nam tại thôn Trung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Đối với vấn đề đầu ra của sản phẩm, ông Vi Đức Thuật, thành viên Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp Gia Vi cho biết, hiện nay, hợp tác xã đã và đang liên kết với nông dân thu mua cây cỏ ngọt, hiện tại sản lượng còn khá thấp, hợp tác xã cũng mong muốn tiếp tục cùng nông dân nhân rộng diện tích để đảm bảo sản phẩm cho thị trường.

Hà Giang: Mô hình trồng cây cỏ ngọt SV1 cho thu nhập cao ảnh 3Cây cỏ ngọt SV1 được đánh giá là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Ông Vi Đức Thuật cho biết thêm, sản phẩm từ cây cỏ ngọt được chế biến thành trà và dược liệu. Để nông dân yên tâm sản xuất lâu dài, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các cấp hướng nông dân quy trình chăm sóc để cây phát triển tốt cả về số lượng và chất lượng.

Hà Giang: Mô hình trồng cây cỏ ngọt SV1 cho thu nhập cao ảnh 4Sản phẩm từ cây cỏ ngọt được chế biến thành trà và dược liệu. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Về kế hoạch nhân rộng mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cũng đã, đang và sẽ phối hợp với các đơn vị hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, khi sản phẩm tiêu thụ được thì khả năng nhân rộng mới hiệu quả, vậy nên thời gian tới, trung tâm sẽ là cầu nối kết nối giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nông dân, ông Nguyễn Anh Tú cho biết thêm.

Nam Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm