Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Hà Giang và Hà Tĩnh ký biên bản ghi nhớ, hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Minh Tâm -TTXVN |
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 19 đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội rất sinh động, hấp dẫn. Đặc biệt, Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều phong cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh: Núi đôi ở huyện Quản Bạ, Dinh thự Nhà Vương (huyện Đồng Văn), đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc). Năm 2010, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Năm 2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia… Đây là cơ hội lớn để Hà Giang phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển các loại hình du lịch nói riêng. Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều đã mở ra, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh: Tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, trên “tuyến du lịch xuyên Việt” và “Con đường di sản miền trung”, một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang kinh tế Đông - Tây”, với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nối các trung tâm du lịch lớn và các tỉnh trong cả nước, với nước bạn Lào qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình)... Đặc biệt, với gần 137 km đường bờ biển, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm còn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thạch Bằng, Thiên Cầm, Kỳ Ninh… và là nơi cung cấp nhiều hải sản tươi ngon, là thế mạnh để phát triển du lịch biển.
Các di tích danh thắng nổi tiếng ở Hà Tĩnh như núi Hồng - sông La, bến Tam Soa - Tùng Lĩnh, đèo Ngang - Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, Ngàn trươi, Cẩm Trang, Vườn quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn, Quỳnh Viên - Nam Giới... luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ ca, âm nhạc. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng nhiều đặc sản như: Bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, mực nháy Vũng Áng… có giá trị phục vụ khách du lịch. Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hóa dân gian hết sức phong phú, được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ, lễ hội, làng nghề thủ công như: Hát phường vải Trường Lưu, Trường Nga; ca trù Cổ Đạm; hát ví dặm đò đưa dọc sông La, múa sắc bùa ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê; hò chèo cạn ở Cẩm Nhượng; hò Thạch Khê... Con người Hà Tĩnh luôn cần cù, thân thiện, mến khách, sống nghĩa tình, thủy chung, luôn để lại tình cảm sâu lắng cho khách du lịch sau mỗi chuyến đi, góp phần làm cho Hà Tĩnh trở thành một trong những điểm đến ấn tượng.
Hiệp hội Doanh nghiệp hai tỉnh Hà Giang và Hà Tĩnh ký kết hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Minh Tâm -TTXVN |
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn của hai tỉnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, để xuất giải pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch thời gian tới. Theo đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh cùng quảng bá hình ảnh, giới thiệu các điểm đến, các sản phẩm du lịch; cung cấp thông tin về các dịch vụ du lịch của Hà Giang, Hà Tĩnh đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành; tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch của hai địa phương phát triển bền vững theo hướng ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Hội nghị, lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Hà Giang và Hà Tĩnh, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch hai địa phương đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp phát triển du lịch.
Minh Tâm