Lễ cắt băng khánh thành học viện. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi lời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cũng như đóng góp từ phía các nhà hảo tâm trong quá trình xây dựng giai đoạn I của Học viện; qua đó góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ trong cộng đồng Khmer mà vươn ra khu vực, hướng đến quốc tế. Hòa thượng Đào Như, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer cho biết, công trình được khởi công vào ngày 25/3/2017, tổng diện tích xây dựng gồm 6,7 ha, 19 hạng mục: Chánh điện, khu hiệu bộ, giảng đường, thư viện, tăng xá, nhà trưng bày… với dự toán tổng kinh phí 451 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Đến nay, việc xây dựng giai đoạn I được hoàn tất, tạo môi trường tu học, ứng dụng, hành trì các pháp môn trong đạo Phật. Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, việc đưa Học viện đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Đây là lần đầu tiên một trường đào tạo cử nhân Phật học cho hệ phái Nam tông Khmer được thành lập tại Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nguyện vọng của sư sãi, đồng bào Khmer vùng Nam Bộ, góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ mong muốn, chư tôn giáo phẩm, Hội đồng điều hành Học viện, các vị giảng sư, giảng viên, tăng sinh tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ vì sự nghiệp giáo dục Phật học. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer, các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm về vật chất lẫn tinh thần để hoạt động của Học viện ngày một phát triển.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam đào tạo các chương trình sau đại học, Trung ương Giáo hội có thể đề nghị cho phép Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại chỗ sau khi khánh thành Học viện, vừa góp phần giảm bớt chi phí du học, vừa tạo sự tập trung về mặt năng lực của chư tăng, góp phần xây dựng và phát triển hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cũng bày tỏ sự tin tưởng với Ban Điều hành Học viện Phật giáo Nam tông Khmer khóa mới gồm 10 thành viên do Hòa thượng Đào Như làm Viện trưởng, chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong việc quản lý, điều hành, giảng dạy cũng như phát triển cơ sở trong hiện tại và tương lai. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ được thành lập năm 2006, là một trong bốn học viện trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến nay, Học viện đã đào tạo được 5 khóa với hơn 200 tăng sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học. Trước khi xây dựng, trụ sở của Học viện được đặt tại chùa Pôthi Sômrôn, quận Ô Môn.
Thanh Liêm