Gỡ rào cản kinh doanh hàng không

Gỡ rào cản kinh doanh hàng không
Cởi nút thắt về vốn

Theo các chuyên gia hàng không, bất chấp việc hạ tầng các sân bay, cảng hàng không trong nước còn nhiều hạn chế, nhưng 7 tháng đầu năm 2016, thị trường hàng không tăng trưởng trên 30%. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân vẫn đang tăng trưởng với tốc độ hai con số, cộng với việc nhiều nhà sản xuất máy bay lớn như: Boeing, Airbus, Mitsubishi Aircraft Corp, Bombardier, Embraer… đều muốn hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để bán, cho thuê tàu bay và mở rộng các cảng hàng không. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường khai thác hàng không được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, việc siết chặt về nguồn vốn, tỷ lệ góp vốn đầu tư vào lĩnh vực này thời gian qua đang là rào cản đối với các doanh nghiệp.
 
Gỡ rào cản kinh doanh hàng không ảnh 1
Việc xây dựng và khai thác cảng hàng không đang là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Về vấn đề này, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), bà Trịnh Thị Hằng Nga, một trong những điểm đáng lưu ý nhất của Nghị định 92/CP là gỡ bỏ điều kiện về vốn của doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không, trong đó, bỏ quy định “tỷ lệ vốn Nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ” để tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tư nhân đang đầu tư xây dựng cảng hàng không tại các địa phương hiện nay nếu đáp ứng được các điều kiện về vốn, về phương án kinh doanh và chiến lược phát triển, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài (chiếm không quá 30% vốn điều lệ để đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh) được phép thành lập doanh nghiệp để kinh doanh cảng hàng không và thu hồi nguồn vốn đã đầu tư xây dựng.

Nghị định 92/CP cũng đã bỏ quy định về tỷ lệ vốn tham gia của các hãng hàng không trong doanh nghiệp cảng. Trước đây, nhằm ngăn ngừa việc các hãng hàng không lạm dụng lợi thế trong việc sở hữu cảng hàng không, tạo sự bất bình đẳng đối với hoạt động khai thác của các hãng hàng không khác, nên các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định tỷ lệ vốn góp của hãng hàng không vào doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không tối đa không quá 30% vốn điều lệ. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, xem xét, Chính phủ thấy rằng việc kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của các hãng hàng không sẽ được điều tiết theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và các quy định về quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay.

Rút gọn thủ tục cấp phép kinh doanh

Bà Nga cho biết thêm, Nghị định 92/CP cũng tạo ra bước đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch hơn trong quá trình cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung. Theo đó, từ quy trình thủ tục phức tạp với thời gian cấp phép kéo dài gần 263 ngày quy định tại Nghị định 30/2010/NĐ-CP, thủ tục cấp giấy phép theo Nghị định 92/CP đã cắt giảm 72% thời gian làm thủ tục xuống còn 60 ngày; thủ tục cấp lại giấy phép cũng đã giảm từ 37 ngày xuống còn 18 ngày đối với trường hợp cấp lại do thay đổi nội dung và còn 5 ngày đối với trường hợp cấp lại do mất, rách.

Đặc biệt, đối với việc chuyển nhượng cổ phần nhà đầu tư nước ngoài, tại Nghị định 92/CP, Chính phủ đã giao thẩm quyền xem xét chấp thuận nội dung chuyển nhượng vốn đầu tư cho nước ngoài của doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài cho Bộ trưởng Bộ GTVT, để tạo tính chủ động cho Bộ GTVT, đồng thời rút ngắn thời gian xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận cho doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài xuống còn 10 ngày để doanh nghiệp không bị mất chi phí cơ hội trong việc thu hút vốn đầu tư do phải kéo dài thủ tục hành chính.

Ngoài ra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung cho doanh nghiệp sử dụng tàu bay để đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn theo quy định tại Nghị định 92/CP cũng đã được gỡ bỏ, tạo sức hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không dân dụng Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ phải đáp ứng các quy định về kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không mà không đồng thời phải đáp ứng các quy định về kinh doanh vận tải hàng không.

Có thể bạn quan tâm