Năm nay, Lễ hội Trò Xuân Phả diễn ra sớm hơn một ngày so với mọi năm và được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trò Xuân Phả đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các nghệ nhân biểu diễn Trò diễn Xuân Phả (Ảnh tư liệu). Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Lễ hội Trò Xuân Phả được mở đầu với màn lễ tế Thành hoàng. Từ sáng sớm mồng 9/2 âm lịch, các thôn trong làng lần lượt rước cỗ đến đình làng để làm lễ tế Thành hoàng diễn ra trang nghiêm, theo đúng khuôn thức từ trang phục đến nghi thức tế lễ.
Truyền thuyết kể lại rằng, vào thời vua Lê, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng nhau đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì gặp giông tố phải trú lại. Đến đêm, Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng về cách đánh giặc, nhà vua làm theo quả nhiên thắng trận. Đất nước trở lại thanh bình, nhà vua mở hội mừng công. Thành hoàng làng Xuân Phả được phong là Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân
Trong ngày hội, các nước chư hầu, lân bang đã đến dự hội, vừa tỏ lòng khâm phục vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hoà hảo. Đặc biệt, các nước chư hầu, các bộ tộc đã mang theo đến hội nhiều điệu múa, hát đặc sắc của dân tộc mình, người dẫn đầu đoàn trò vào múa hát có mang theo một biển gỗ sơn son thiếp vàng giới thiệu về quốc gia, dân tộc mình như "Chiêm Thành đồ tiến cống" hoặc "Ai Lao đồ tiến cống" hoặc "Hoa Lang đồ tiến cống"... Để tỏ lòng biết ơn Thành hoàng làng Xuân Phả, nhà vua đã ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất cho dân làng. Đó chính là các điệu Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần). Từ đời này qua đời khác, người dân làng Xuân Phả vẫn tổ chức Lễ hội Trò Xuân Phả vào các ngày 10, 11/2 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng.
Sau phần tế lễ, phần hội diễn ra trong 3 ngày với việc biểu diễn các tiết mục trong Trò Xuân Phả. Trò Xuân Phả được biết đến như những điệu múa dân gian đặc sắc và độc đáo nhất Việt Nam. Hầu hết các nhân vật tham gia các điệu múa trong trò diễn phải đeo mặt nạ, có 5 trò thì có tới 3 trò có mặt nạ (gồm Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần) và các trò diễn hầu như đều do nam giới đảm nhiệm. Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo là màu đỏ, màu xanh và màu vàng.
Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre... tạo thành những âm thanh hết sức vui nhộn cùng với những điệu múa, điệu nhảy của các nhân vật tham gia trong từng trò diễn đã khiến người xem có một cảm giác hết sức rộn ràng, đứng ngồi không yên. Trong năm điệu múa, các điệu Tú Huần, Ngô Quốc và Hoa Lang có lời hát họa theo, ví dụ như trò Hoa Lang: ''Trò tôi ở bên Hoa Lang/Tôi nghe chính đức tôi sang chèo chầu/ Khoan là khoan..."; đoàn quân Hoa Lang từ phương Bắc xa xôi phải chèo thuyền sang nước Đại Việt dự hội, trên thuyền lại vang lên lời ca tiếng hát ngợi ca nhà vua Đại Việt: "Chúc mừng tuổi vua vạn niên/ Ngai rồng ngự trị dân yên thái hoà...". Trò Tú Huần lại biểu hiện niềm sung sướng, phấn khởi của nhân dân khi đất nước không còn bóng quân thù với tiếng trống chiêng hồ hởi, vui tươi: "Tú Huần là Tú Huần ta/ Sáng sớm rửa mặt đeo hoa ăn trầu/ Tú Huần kia hỡi Tú Huần/ Mẹ đi đánh trống lấy phần con ăn/ Ăn rồi con lại giữ nhà/Mẹ đi đánh trống rước cha con về...".
Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng, Trưởng đoàn nghệ thuật truyền thống múa Xuân Phả, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường khẳng định: "Trò Xuân Phả được trao truyền từ đời này qua đời khác. Đến nay, từ già đến trẻ, không ai ở Xuân Trường là không biết Trò Xuân Phả. 9/9 thôn ở Xuân Trường đều có đội múa Xuân Phả. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các lớp tập huấn cho từ 120 đến 150 cháu là học sinh Trường THCS Xuân Trường để các cháu thêm hiểu, thêm yêu trò diễn quê mình. Đây chính là những tín hiệu lạc quan, đảm bảo cho sự tồn tại đầy sinh động của Di sản phi vật thể quốc gia mang tên Trò Xuân Phả".
Ngày nay, Lễ hội làng Xuân Phả không chỉ là của riêng người trong làng Xuân Phả nữa mà lan rộng ra khắp xứ Thanh với sự tham gia của hàng nghìn du khách từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Hoa Mai
TTXVN