Nhiều sản vật phong phú do người Mông xã Nà Hầu ( Yên Bái) tự nuôi trồng, sản xuất được bày bán tại chợ quê. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN |
Để chuẩn bị cho sự kiện này, huyện Trạm Tấu đã trưng tập 21 diễn viên quần chúng và nghệ nhân dân gian dân tộc Mông tham gia luyện tập chương trình từ ngày 16/4. Chương trình được dàn dựng và biên đạo theo kịch bản đúng với truyền thống của người Mông, thời lượng 30 phút gồm các tiết mục: múa (Xuống chợ); khèn Mông (Vui hội Gầu Tào), đàn môi (Tiễn bạn), sáo (Người Mèo ơn Đảng), nhị (Gọi bạn), hát giao duyên (Vui xuân) và giới thiệu trang phục dân tộc Mông của 4 nhóm: Mông Đu, Mông Đơ, Mông Si và Mông Lềnh. Tại sự kiện sẽ diễn ra các trải nghiệm sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mông như: vẽ hoa văn trên váy bằng sáp ong, thêu hoa văn trên váy, xe lanh và các trò chơi diễn ra xuyên suốt sự kiện như: ném pao, đánh yến. Huyện Trạm Tấu đã chuẩn bị các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương như: mật ong, măng ớt, gạo tẻ nương, nếp nương, gạo cẩm, chè Phình Hồ, chè Shan Tà Xùa… Huyện Mù Cang Chải tổ chức cho nghệ nhân và diễn viên của các xã luyện tập cho sự kiện này từ ngày 15/4, với 12 tiết mục: múa gậy tiền (một tốp người dùng cây gậy nhỏ như cây sáo đập vào tay, vai, hông, chân của mình theo nhịp), tấu sáo, múa khèn môi, đàn môi, múa khèn đơn, kéo nhị, trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn quay cù, trò chơi ném pao, chế tác khèn, vẽ sáp ong hoa văn trên váy và nghề thêu. Cùng với đó là chuẩn bị các sản phẩm để trưng bày tại các gian hàng tham gia sự kiện. Huyện Mù Cang Chải cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất phim tài liệu "Độc đáo văn hóa dân tộc Mông Yên Bái” để quảng bá tại sự kiện; phối hợp với Câu lạc bộ VietWings Hà Nội chuẩn bị các điều kiện tổ chức Festival dù lượn "Bay trên mùa nước đổ”. Huyện cũng đã chuẩn bị điều kiện tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sách, ấn phẩm về du lịch Mù Cang Chải; tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc sản địa phương; tổ chức các tour du lịch cộng đồng, hội thi đồng diễn múa khèn, múa khăn; trình diễn trang phục các dân tộc của địa phương. Theo ông Dương Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, để chẩn bị cho sự kiện này, tỉnh đã lưu ý các huyện phải chú trọng đến trang phục trình diễn; lời hát tiếng Mông được dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh để du khách và độc giả đón xem dễ hiểu và đảm bảo các yếu tố truyền thống, đặc sắc, tiêu biểu và không được sân khấu hóa. Việc sắp xếp các tiết mục của hai huyện theo chỉnh thể thống nhất, không trùng lặp và các tiết mục bổ sung cho nhau; dàn dựng các trò chơi phải sinh động tạo tương tác với người xem. Sự kiện "Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái" tại Hà Nội gồm có các hoạt động giới thiệu những tiết mục văn nghệ truyền thống của đồng bào Mông; Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái”; không gian chợ quê trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương; trình diễn thêu, dệt sản phẩm vải lanh, làm khèn Mông và tổ chức các trò chơi dân gian của dân tộc Mông như: đánh quay, ném pao, tung còn…
Đức Tưởng