Triển lãm chuyên đề Hà Giang - điểm hẹn nơi cực Bắc diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk ngày 16/9. Sự kiện do Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Giang tổ chức.
Diễn ra từ nay đến hết ngày 30/11, Triển lãm trưng bày hơn 100 hình ảnh và hiện vật phản ánh cuộc sống, con người, thiên nhiên tỉnh Hà Giang.
Tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang Dương Thanh Hương cho biết, Hà Giang là vùng đất biên cương nơi cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc đang sinh sống. Tỉnh có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, địa hình hiểm trở song kỳ vĩ, có cao nguyên, thung lũng, nhiều sông, suối và phong cảnh núi rừng đẹp với những địa danh nổi tiếng như Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, cao nguyên đá Đồng Văn, núi đôi Quản Bạ…
Hà Giang còn có nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ hội Gầu Tào của người M’nông, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai, các phiên chợ vùng cao cùng các điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống và những món ăn đặc sản đậm nét văn hóa dân tộc. Triển lãm giới thiệu khái quát về mảnh đất nên thơ, con người chất phác, di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hà Giang tới nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và khách tham quan du lịch.
Năm 2022, Bảo tàng tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trưng bày lưu động tại các tỉnh Hà Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng thời phối hợp với các tỉnh để trưng bày chuyên đề tại Đắk Lắk. Triển lãm chuyên đề nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu, liên kết giữa các bảo tàng trong việc phát triển du lịch, làm phong phú thêm hoạt động trưng bày tại bảo tàng, góp phần giới thiệu hình ảnh về thiên nhiên, đời sống, văn hóa các dân tộc của đất nước Việt Nam.
Ông Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên với 49 dân tộc cùng sinh sống. Đắk Lắk nổi tiếng với cà phê, cao su, lễ hội, hòa cùng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chính nét hoang sơ của tạo hóa, sự đồng điệu về văn hóa đã tạo ra sức hút, là sợi dây kết nối hai địa phương thuộc điểm đầu và điểm giữa của dải đất hình chữ S với nhau. Vì vậy, triển lãm là dịp để hai bảo tàng giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, hỗ trợ trưng bày, kết nối vùng miền di sản, kích cầu du lịch.
Hoài Thu