Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, nhu cầu sử dụng khẩu trang của người dân là rất lớn. Để tránh lãng phí đối với khẩu trang y tế dùng một lần, nhiều người có thói quen xịt dung dịch khử khuẩn lên khẩu trang để rồi tái sử dụng.
Tuy nhiên, theo kết quả một nghiên cứu được các nhà khoa học Australia công bố ngày 24/2, phương pháp này có thể không mang lại hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh như kỳ vọng. Trong nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về hiệu quả của việc xịt khử khuẩn khẩu trang, một nhóm các nhà khoa học thuộc Tổ chức nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đã khẳng định rằng các loại khẩu trang N95 và P2 khi tiếp xúc với chất khử trùng chứa cồn sẽ có thể "suy giảm nghiêm trọng" khả năng bảo vệ người dùng khỏi các nguy cơ lây lan trong không khí.
Ông Jurg Schutz - tác giả chính của nghiên cứu này - nêu rõ: "Khẩu trang dùng một lần sẽ tiếp tục là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, vì chúng giúp chúng ta tự bảo vệ trước bệnh COVID-19 và bất kỳ mầm bệnh nào trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều người đang cố gắng kéo dài tuổi thọ của những chiếc khẩu trang dùng một lần bằng cách khử khuẩn chúng. Từ đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về những loại sản phẩm mà mọi người đang sử dụng ngày một nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch, như dung dịch vệ sinh và nước rửa tay chứa cồn. Kết quả cho thấy những loại sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến tính chất tĩnh điện của khẩu trang”.
Theo ông Schutz, khẩu trang dùng một lần hoạt động dựa trên cơ chế điện tích thu hút các phân tử bay trong không khí và “bẫy” chúng giống như một mạng nhện. Ông cho biết: “Lượng điện tích này có thể bị phá hủy bởi hơi cồn có nồng độ cao”.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng rằng phát hiện trên sẽ cung cấp thông tin bổ ích cho mọi người về cách chăm sóc khẩu trang dùng một lần. Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh một số khu vực tại Australia đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19. Kể từ tối 25/2, người dân ở vùng thủ đô Australia (ACT) và bang Victoria sẽ chỉ buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao, như các phương tiện giao thông công cộng, sân bay và cơ sở y tế.
Thanh Phương