Gìn giữ dòng gốm cổ độc đáo Quảng Đức

Nhiều loại gốm Quảng Đức quý hiếm được trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên. Ảnh: Tường Quân – TTXVN
Nhiều loại gốm Quảng Đức quý hiếm được trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Cách đây hơn 300 năm, địa bàn tỉnh Phú Yên xưa có một dòng gốm cổ vang bóng một thời, đó là dòng gốm Quảng Đức, nay thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An. Hiện nay, gốm cổ Quảng Đức là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh và đang được gìn giữ, phát huy, trở thành “báu vật” của xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh”.

Gìn giữ dòng gốm cổ độc đáo Quảng Đức ảnh 1Một số vật dụng được làm bằng gốm Quảng Đức xưa. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Làng gốm vang bóng một thời

Theo các nhà nghiên cứu, làng gốm Quảng Đức có lịch sử hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Làng nằm ở hạ lưu sông Cái và gần trung tâm tỉnh lỵ Phú Yên xưa là thành An Thổ. Nơi đây có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, vận chuyển nguyên liệu làm gốm và giao dịch, đưa sản phẩm gốm đến các thị trường tiêu thụ. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho nghề làm gốm ở Quảng Đức được khai thác từ các địa bàn lân cận như: đất sét ở An Định, men từ sò huyết ở đầm Ô Loan, củi đốt lò khai thác từ đầu nguồn sông Cái.

Sản phẩm gốm Quảng Đức đa dạng về chủng loại như: nậm rượu, ché rượu, bình vôi, chum, chậu kiểng, bình hoa, chân đèn, lư hương… được chế tác bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Đề tài trang trí trên gốm phong phú như: long, lân, quy, phụng; ngư, tiều, canh, mục; hoa sen, hoa mai; tiên ông, tùng lộc, ngựa, chim công, dơi… Nhiều loại hoa văn và hình tượng trang trí được làm bằng khuôn, sau đó đắp nổi lên sản phẩm, tạo thành các mảng hoa văn với nhiều mô típ sống động, tinh tế. Mỗi hình tượng trang trí đều hàm chứa ý nghĩa, truyền đạt những thông điệp tốt đẹp.

Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, kỹ thuật xử lý, pha trộn nguyên liệu, tạo hình, tạo men và nung gốm Quảng Đức có những đặc thù riêng, tạo nên một dòng gốm riêng biệt, độc đáo. Một đặc điểm dễ nhận diện đối với gốm Quảng Đức là dấu vết vỏ sò còn lưu lại trên bề mặt ở hầu hết các sản phẩm gốm tráng men. Điều này được lý giải là do các nghệ nhân xưa đã dùng loại nguyên liệu vỏ sò huyết ở đầm Ô Loan để chèn xung quanh sản phẩm gốm khi nung với mục đích làm tăng nhiệt độ lò nung. Một phần vỏ sò dính vào lớp men của sản phẩm và để lại dấu tích. Mặt khác, với kỹ thuật nung thủ công, nhiệt độ trong lò không đều nên màu men sản phẩm có sự biến đổi khác nhau, hình thành những màu sắc đa dạng; có những sản phẩm với màu xanh ngọc, đỏ huyết rất đặc trưng, quý hiếm.

Tiến sỹ Đoàn Thị Như Hoa, Giảng viên ngành Văn hóa - Du lịch Trường Đại học Phú Yên cho biết, dòng gốm Quảng Đức có nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau. Tiêu biểu như các ghè rượu Brôn. Đây là tên mà đồng bào Jrai gọi loại ghè rượu lớn của dòng gốm Quảng Đức. Ghè Brôn có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng đặc điểm dễ nhận biết nhất chính là các đường vân gốm ở thân ghè. Các đường vân này không phải do người thợ vẽ ra mà trong quá trình chế tác, họ đã khéo léo chọn nhiều loại đất sét khác nhau để đắp tạo cốt gốm, nhờ đó mà sau khi nung sẽ tạo thành các đường vân uốn lượn với nhiều màu sắc khác nhau. Các cốt gốm này được đắp thành dải xoắn và rất đều nên đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao. Trong các dòng gốm Việt nói chung và gốm Chăm nói riêng, ghè rượu Brôn của Quảng Đức có kỹ thuật tinh xảo và độc đáo, cách chế tác này còn được thấy ở một số thủy trì nhỏ.

Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh vào các thế kỷ XVIII, XIX đến đầu thế kỷ XX, sản phẩm gốm Quảng Đức không chỉ được tiêu thụ tại tỉnh Phú Yên mà còn được giao thương rộng rãi đến nhiều địa bàn khác. Minh chứng là nhiều sản phẩm gốm Quảng Đức đã được phát hiện tại các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua. Cùng với đó, các cuộc thăm dò trục vớt tại các dòng sông ở Nam Bộ cũng đã tìm thấy các sản phẩm gốm Quảng Đức.

Gìn giữ dòng gốm cổ độc đáo Quảng Đức ảnh 2Phòng trưng bày gốm cổ Quảng Đức tại thành phố Tuy Hòa có hơn 200 hiện vật. Ảnh: TTXVN phát

Giữ gìn và phát huy giá trị

Hiện nay, khi những đồ gia dụng, trang trí bằng nhôm, nhựa, inox… dần thay thế các sản phẩm thủ công truyền thống thì nghề gốm Quảng Đức cũng dần bị mai một. Theo kết quả điều tra, khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, làng Quảng Đức chỉ còn dưới 20% hộ dân làm nghề gốm và chế tạo những sản phẩm đơn điệu theo thị hiếu của khách hàng. Các sản phẩm tráng men bằng kỹ thuật xưa không còn nữa, thay vào đó là các sản phẩm thô và không tráng men, hoa văn nghèo nàn. Đặc trưng hoa văn in nổi vỏ sò huyết với màu xanh lam và huyết dụ không còn nữa. Khâu tiêu thụ sản phẩm cũng rất khó khăn khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề.

Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên chia sẻ, nhận thấy gốm Quảng Đức là một dòng gốm tiêu biểu của địa phương, các sản phẩm gốm Quảng Đức là di sản văn hóa quý giá, từ nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh đã tập trung sưu tầm, đưa vào bảo quản, lưu giữ và liên tục bổ sung, nâng tầm giá trị sưu tập hiện vật gốm Quảng Đức. Từ ngày 23/11-31/12/2023, Bảo tàng tỉnh Phú Yên tổ chức trưng bày 90 hiện vật gốc và 115 hình ảnh về dòng gốm Quảng Đức nhằm giới thiệu, phổ biến rộng rãi những giá trị đặc sắc của dòng này đến cán bộ, người dân và học sinh trong và ngoài tỉnh.

Trước đó, tháng 5/2023, Phòng trưng bày gốm cổ Quảng Đức thuộc Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên đã mở cửa tại số 6 đường An Dương Vương, thành phố Tuy Hòa để đón những người quan tâm đến dòng gốm độc đáo này đến tham quan, nghiên cứu. Phòng trưng bày có hơn 200 hiện vật gốm Quảng Đức (tráng men và gốm đất nung) gồm các kiểu chóe lớn nhỏ, vò, hũ, bình vôi, nậm rượu, thống, chác, chậu hoa, khuôn in được trưng bày trong không gian trang nhã. Bên cạnh đó là một số hiện vật thuộc văn hóa Chăm Pa, gốm Việt, một số hiện vật độc bản có giá trị lịch sử rất đặc biệt, liên quan đến vùng đất và con người Phú Yên.

Gìn giữ dòng gốm cổ độc đáo Quảng Đức ảnh 3Nhiều loại gốm Quảng Đức quý hiếm được trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên chia sẻ: Việc trưng bày, triển lãm theo lối truyền thống là rất cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, truyền thông trên không gian mạng cũng rất quan trọng, nhất là đối với giới trẻ, học sinh, sinh viên vì hầu hết các em đều sử dụng mạng xã hội. Điều này càng cần thiết đối với du khách nước ngoài. Chính vì thế, việc số hóa di sản để đưa lên không gian mạng, xây dựng bảo tàng ảo là việc cần làm ngay. Bản thân ông đã chọn và số hóa một số gốm cổ Quảng Đức tiêu biểu, xây dựng “demo” không gian tham quan ảo, nhưng chi phí còn rất cao. Do vậy rất cần ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị với tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các sưu tập tư nhân thực hiện.

Theo ông Trần Thanh Hưng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy định sửa đổi, bổ sung Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Trong đó có nền tảng bảo tàng số ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần hơn với người xem. Các tư liệu, hiện vật được số hóa dưới dạng 2D, 3D, video clip, liên kết các mảnh ghép của không gian, thời gian thành các câu chuyện hiện vật sống động để truyền tải tới người xem trực tiếp cũng như phát qua các kênh trực tuyến, Internet, thiết bị di động hoặc trình chiếu ngoài trời.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm