Ngày 20/4, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ ở Ninh Bình - truyền thống và hiện đại” thu hút nhiều nhà quản lý, khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong nước.
Hội thảo nhằm bổ sung, củng cố các luận cứ khoa học, lịch sử, văn hóa, làm sáng tỏ vai trò, vị thế của các trung tâm gốm cổ (bao gồm đồ gốm, sành, sứ, vật liệu kiến trúc) qua các giai đoạn lịch sử trên vùng đất Ninh Bình. Từ đó, đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy truyền thống nghề gốm trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh nằm ở vị trí giao thoa của nhiều vùng địa chất, khí hậu và văn hóa; thế kỷ X là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở nước ta. Trong lịch sử khảo cổ học, Ninh Bình đã phát hiện và lưu giữ nhiều bộ sưu tập về gốm thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau, ở mỗi giai đoạn đều chứng minh nơi đây giữ vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Năm 1998, di tích khảo cổ Mán Bạc được phát hiện và liên tục tiến hành khai quật với quy mô lớn. Di tích này nằm ở Bồ Bát xưa, thuộc xứ Bạch Liên, nay là thôn Bạch Liên (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) là nơi còn lưu truyền những truyền khẩu về mối liên hệ, sự hình thành và phát triển của nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội).
Nhiều năm qua, các cấp, ngành, nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nghiên cứu, làm sáng tỏ các giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của tỉnh nói chung và nghiên cứu về di sản văn hóa nói riêng. Hội thảo là hoạt động đầu tiên nhằm mở ra hướng nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nghề gốm cổ ở Ninh Bình và đưa ra luận cứ khoa học để xác định tỉnh là một trung tâm gốm cổ trong lịch sử, tiền đề để đề xuất các giải pháp, chủ trương, định hướng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát nói riêng, nghề gốm ở Ninh Bình nói chung trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, với 32 báo cáo chuyên đề của 40 tác giả là các nhà nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, bảo tàng học, di sản văn hóa... tập trung thảo luận hai vấn đề lớn về di sản gốm và mục tiêu phục hồi, phát huy di sản gốm Ninh Bình trong hiện tại, tương lai. Mỗi tác giả, nhóm tác giả đều cung cấp nhiều luận chứng khoa học về di tích, di vật liên quan đến di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử; khái quát hóa quá trình thực tiễn nhiều cam go và những thành quả nhất định của việc khôi phục các làng gốm cổ trong và ngoài nước; gợi ý về mô hình phù hợp nhằm khôi phục, phát huy nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa hiện nay. Mỗi tham luận từ góc nhìn riêng cùng góp phần xác định giá trị, quan sát thực tiễn và xây dựng mô hình nhằm tham vấn tỉnh Ninh Bình đưa nghề gốm cổ dần bước vào quỹ đạo phát triển kinh tế văn hóa hiện nay.
Đức Phương