Với sự quan tâm của ngành giáo dục huyện, chất lượng giáo dục ở Mường Tè đã được nâng lên, tỷ lệ học sinh các cấp ra lớp luôn đạt 85%. Ảnh: An Thành Đạt |
Gian nan con chữ vùng cao
Vượt qua những con dốc quanh co, chúng tôi đến điểm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và PTDTBT Trung học cơ sở Pa Ủ thuộc xã Pa Ủ, xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Theo học ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc La Hủ, đời sống còn vô cùng nghèo nàn, lạc hậu. Xác định vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm, vừa là tình thương đối với học sinh, các thầy, cô giáo đã không quản ngại vất vả thiếu thốn để bám trường, bám bản đứng lớp mỗi ngày.
Cơ sở giáo dục của huyện Mường Tè ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc . Ảnh: An Thành Đạt |
Thầy giáo Trương Văn Trung, quê ở tỉnh Bắc Giang đã có 14 năm gắn bó với các em học sinh dân tộc thiểu số (HS DTTS) chia sẻ: “Khi được phân công về giảng dạy ở huyện vùng cao biên giới Mường Tè, ban đầu tôi cũng băn khoăn, lo lắng vì cuộc sống nơi đây quá vất vả, đường sá hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Thế nhưng, càng tiếp xúc với học sinh vùng cao, tôi càng thấy gắn bó và yêu thương các em. Tôi mong muốn góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người nơi vùng cao biên giới. Niềm vui lớn nhất của tôi hiện nay là nhìn thấy con em đồng bào dân tộc đến lớp mỗi ngày”.
Niềm vui khi đến lớp của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Ủ. Ảnh: An Thành Đạt |
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Ủ có ý thức tự giác cao trong học tập sau những giờ lên lớp. Ảnh: An Thành Đạt |
Em Khoàng Hà Lớ, người dân tộc Hà Nhì, học sinh lớp 3, Trường PTDTBT Tiểu học Mù Cả tâm sự: “Nhà em ở xa, đường đến trường rất vất vả nhưng em vẫn thích đi học. Đến trường có thầy, cô giáo chăm sóc, dạy học, có bạn bè để vui chơi nên em chỉ về nhà ít ngày thôi rồi lại tới lớp học cái chữ. Em ước mơ sau này trở thành chú công an”.
“Chúng tôi chỉ đạo ngành giáo dục huyện cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp; quan tâm đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của giáo viên… Có như vậy công tác giáo dục ở huyện vùng cao biên giới như Mường Tè mới đạt hiệu quả tích cực” - Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: An Thành Đạt |
Đói nghèo cùng những hủ tục làm cho nhận thức của bà con đồng bào dân tộc nơi đây còn hạn chế. Tình trạng cho con bỏ học vẫn còn. Vào những ngày mùa, các em học sinh thường phải về giúp đỡ gia đình việc thu hái, dẫn đến sao nhãng học tập. Các thầy, cô giáo phải đến từng nhà, ra tận ruộng, nương gặp gỡ và thuyết phục gia đình để các em trở lại trường. Không phụ lòng thầy cô, các em học sinh nơi đây cũng rất ham học và nhận thức khá rõ ràng về việc học chữ đối với tương lai của mình. Chính vì vậy, nhiều em, nhà cách xa trường 30 - 40 km song vẫn đến trường đều đặn, đúng giờ.
Thầy cô quan tâm chăm sóc và gần gũi học sinh chính là nguồn động viên lớn để các em vượt núi đến trường. Ảnh: An Thành Đạt |
Ngoài giờ học, các học sinh tham gia trồng rau xanh, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn và rèn luyện thêm kỹ năng sống. Ảnh: An Thành Đạt |
Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng giáo dục huyện Mường Tè cho biết: mặc dù còn nhiều khó khăn, song ngành giáo dục huyện luôn quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy học. Đồng thời huyện cũng chú trọng phát triển hệ thống trường, lớp học, nhà bán trú, giúp các em đến trường có đủ điều kiện cần thiết để sinh hoạt, học tập, tạo niềm vui đến trường và ươm mầm cho những ước mơ…
Hàng năm, gần đến ngày khai giảng năm học mới hoặc sau những vụ mùa, các thầy cô lại đến tận gia đình của học sinh để động viên các em trở lại trường. Ảnh: An Thành |
Chính nhiệt huyết của các thầy, cô giáo đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Theo báo cáo của ngành giáo dục, hàng năm, tỷ lệ học sinh phổ cập các cấp ở Mường Tè luôn đạt gần 100%, nhiều em HS DTTS đã đạt thành tích cao trong học tập, không ít em trưởng thành và giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Toàn huyện có 13/51 trường đạt chuẩn quốc gia, học sinh các cấp ra lớp luôn đạt 85%, tỷ lệ chuyên cần trên 90%… Các chế độ chính sách đối với HS DTTS được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Năm học 2018 - 2019 vừa qua, từ công tác xã hội hóa, huyện Mường Tè đã quyên góp được gần 13 tỷ đồng, bao gồm: sách giáo khoa, vở viết và nhiều đồ dung học tập khác.
Hướng dẫn học sinh dân tộc làm đèn ông sao nhân dịp Tết Trung thu. Ảnh: An Thành Đạt |
Chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong huyện quan tâm, tặng quà cho học sinh dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: An Thành Đạt |
Các em học sinh vùng cao Mường Tè giờ đã yên tâm xuống núi học chữ. Ảnh: An Thành Đạt |
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn đó những khó khăn mà ngành giáo dục huyện Mường Tè nói riêng và khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung đang phải đối mặt. Đó là tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, cơ sở vật chất còn thiếu và yếu… Để tiếp tục chắp bước cho thế hệ tương lai, giúp rút ngắn khoảng cách vùng miền, không chỉ cần sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác giáo dục mà còn cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Hoàng Tâm - Công Tuyên - An Thành Đạt
Báo in T11/2019