Cô Nguyễn Thị Hồng Mơ, giáo viên trường Tiểu học Nghi Thu, thị xã Cửa Lò đã gắn bó với nghề hơn 10 năm nhưng chưa được biên chế. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Thông tin trên thực sự là niềm vui đối với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Mơ, giáo viên hợp đồng Trường Tiểu học Nghi Thu, thị xã Cửa Lò từ năm 2007. Cô Mơ chia sẻ: “Tôi đã có 12 năm giảng dạy ở Trường Tiểu học Nghi Thu và thực sự gắn bó với công việc này. Chính vì thế, nếu được đặc cách tuyển dụng vào biên chế tôi thực sự vui mừng và điều đó giúp tôi gắn bó lâu dài với công việc”.
Tại Trường Tiểu học Nghi Thu – thị xã Cửa Lò, cho đến thời điểm này, trường đang có 6 giáo viên hợp đồng, người lâu nhất là 12 năm và gần đây nhất cũng đã 6 năm. Cô giáo Nguyễn Thị Phúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những giáo viên hợp đồng đều là những giáo viên trẻ, năng nổ, có trình độ, trách nhiệm, có những giáo viên đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thị xã, nhiều người là chiến sỹ thi đua và hiện là giáo viên nòng cốt của trường. Tuy nhiên, so với những giáo viên khác, những giáo viên này chịu nhiều thiệt thòi, đó là trong 3 tháng hè giáo viên không có phụ cấp đứng lớp, không có phụ cấp thâm niên... Thực tế cũng cho thấy, vì hợp đồng quá lâu nên năm học trước có 2 giáo viên giỏi của trường đã xin chuyển công tác về địa phương khác vì họ có cơ hội để được tuyển dụng vào biên chế.
Hiện tổng chỉ tiêu biên chế của thị xã Cửa Lò là gần 1.000 người. Tuy nhiên, trên thực tế, thị xã Cửa Lò chỉ tuyển dụng hơn 900 người. Chính vì lẽ đó, khi Bộ Nội vụ có Công văn số 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng thì không chỉ giáo viên mà lãnh đạo ngành cũng rất vui mừng.
Nói về điều này, ông Phùng Đức Nhân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò cho biết: Nhiều năm nay, Cửa Lò không tuyển dụng giáo viên vượt quá số lượng biên chế được giao. Vì thế, khi công văn 5378 ra đời là cơ hội mở ra cho toàn bộ hơn 90 giáo viên đang hợp đồng của thị xã và đây cũng là cơ chế pháp lý thuận lợi cho ngành trong việc tham mưu triển khai việc tuyển dụng giáo viên đặc cách. Quá trình triển khai, quan điểm của chúng tôi là tuyển dụng đúng vị trí để các giáo viên vào làm việc chứ không tuyển dụng đại trà để tạo ra gánh nặng, áp lực cho ngành giáo dục và tạo được sự công bằng, khách quan, giúp giáo viên yên tâm công tác.
Không phải địa phương nào ở Nghệ An cũng thuận lợi trong việc tuyển dụng giáo viên đặc cách như thị xã Cửa Lò. Thời điểm này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng để quyết định việc đặc cách đối với các đối tượng này. Quá trình triển khai văn bản này, dự kiến cũng sẽ có những bất cập nảy sinh như có cơ chế nhưng địa phương lại thiếu chỉ tiêu biên chế, hay chính sách này có áp dụng với những giáo viên hợp đồng cấp huyện nhiều năm nhưng nay đã chuyển xuống bậc mầm non....
Cô Nguyễn Thị Hồng Mơ, giáo viên trường Tiểu học Nghi Thu, thị xã Cửa Lò đã gắn bó với nghề hơn 10 năm nhưng chưa được vào biên chế. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Diễn Châu là một trong những huyện có số lượng giáo viên hợp đồng cấp huyện khá đông. Tuy nhiên, trong hơn ba năm trở lại đây, để giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư, huyện đã chủ động giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu rà soát lại giáo viên hợp đồng cấp huyện, qua đó tạo điều kiện để 52 giáo viên hợp đồng cấp huyện ở bậc tiểu học và trung học cơ sở đi học thêm văn bằng 2 mầm non để tuyển dụng giáo viên mầm non theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP.
Ngay tại thời điểm này, 27 nhân viên, giáo viên ở nhiều trường học khác ở diện hợp đồng cũng đang tiếp tục được học thêm chuyên môn để có cơ chế tuyển dụng xuống mầm non trong thời gian tới. Với những kết quả này, về cơ bản việc giải quyết giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện đã hoàn thành, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn đang nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình phân công, bố trí giáo viên. Nhiều giáo viên mong muốn, dù hiện tại khá yên tâm về công việc vì đã được tuyển dụng hợp đồng (tương đương như biên chế), nhưng thời gian này khi Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng giáo viên “đặc cách” với những giáo viên ký hợp đồng cấp huyện từ trước năm 2015 trở về trước, liệu họ có cơ hội để được bố trí lại công việc theo đúng chuyên môn của mình hay không.
Tương tự, huyện Yên Thành đang còn khoảng 100 giáo viên hợp đồng cấp huyện, nhưng từ năm 2007 đến nay huyện không được giao chỉ tiêu biên chế giáo viên bậc trung học cơ sở. Thế nên nếu có đặc cách thì huyện cũng không biết căn cứ vào đâu để tuyển. Ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Yên Thành cũng chia sẻ: Việc đặc cách là đúng với mong mỏi của đông đảo giáo viên. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, chúng tôi mong Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn chi tiết và tạo cơ chế để việc xét tuyển được thuận lợi, đúng với tinh thần nhân văn mà Công văn số 5378 đã đề ra.
Bích Huệ