Trước đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo 12 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và một máy bay trực thăng bị bắn hạ khi xảy ra giao tranh với Armenia tại khu vực Karabakh. Quân đội Azebaijan cũng cho biết đã giành quyền kiểm soát một số cao điểm và điểm dân cư chiến lược ở Nagorny Karabakh, vùng lãnh thổ tuyên bố li khai khỏi Azebaijan và có đông người gốc Armenia sinh sống. Đây được xem là cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Nagorny Karabakh kể từ khi hai nước ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1994.
Trong ảnh (đăng tải trên trang web của lực lượng vũ trang ở Nagorny Karabakh): Một máy bay trực thăng của quân đội Azebaijan bị bắn hạ. AFP/ TTXVN |
Trước tình hình giao tranh ác liệt tại khu vực Nagorny Karabakh giữa lực lượng hai nước Azerbaidjan và Armenia, khiến hàng chục người thiệt mạng, ngày 2/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên liên quan ngay lập tức ngừng các hoạt động giao tranh, tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn và tuân thủ các bước đi cần thiết để ổn định tình hình.
Trong ảnh (tư liệu): TTK LHQ Ban Ki-moon phát biểu trong một cuộc họp báo tại Stockholm, Thụy Điển ngày 30/3. AFP/TTXVN |
Ngày 2/4, sau khi xảy ra xung đột nghiêm trọng tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan làm hàng chục binh sĩ và thường dân hai bên thương vong, cộng đồng quốc tế đã lên án việc bùng phát giao tranh và kêu gọi các bên ngay lập tức ngừng bắn. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Armenia và Azerbaijan về những diễn biến mới này, kêu gọi các bên có hành động khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình tại khu vực xung đột Nagornyi Karabakh. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã đề nghị các bên xung đột tại Nagorny Karabakh lập tức ngừng bắn và kiềm chế để chấm dứt giao tranh dọc đường giới tuyến ở Nagorny Karabakh.
Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (phải) và Ngoại trưởng Sergei Lavrov (giữa) tại Moskva ngày 14/3. AFP/ TTXVN |
Ngày 2/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Mỹ lên án mạnh mẽ những cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra tại khu vực Nagorny Karabakh giữa lực lượng hai nước Azerbaidjan và Armenia, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng. Ông Kerry kêu gọi các bên kiềm chế tránh gây căng thẳng leo thang, đồng thời cho biết Mỹ và Nga kêu gọi hai bên giao tranh ngừng bắn "ngay lập tức". Theo đó, Nga và Mỹ yêu cầu các bên ngay lập tức tham gia các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) (gồm Nga, Pháp và Mỹ) để tìm ra giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột này.
Trong ảnh (tư liệu): Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại thủ đô Washington ngày 29/3. AFP/TTXVN |
Ngày 2/4, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tại Nagorny Karabakh tuân thủ lệnh ngừng bắn, chấm dứt các hành động thù địch gây tổn hại tới dân thường.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini AFP/ TTXVN |
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), tuyên bố các hành động giao tranh tại khu vực tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan cần phải chấm dứt sớm nhất có thể. Ông kêu gọi các bên xung đột tôn trọng hoàn toàn lệnh ngừng bắn. Theo Ngoại trưởng Đức, cuộc xung đột này không thể giải quyết bằng hành động quân sự, các bên cần thể hiện ý chí chính trị để trở lại đàm phán trong khuôn khổ Nhóm Minsk.
Trong ảnh (tư liệu): Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Nga tại Moskva ngày 23/3. AFP/ TTXVN |