Giao thông mở lối no ấm trên vùng cao

Giao thông mở lối no ấm trên vùng cao

Tranh thủ trời không mưa, những lao động của 52 hộ dân tộc Mông tại thôn Lao Chải, xã Quan Thần Sán, khẩn trương lao động để sớm hoàn thành con đường bê tông từ xã dẫn vào thôn. Trưởng thôn là người tuyên truyền, vận động bà con góp sức người, sức của, rồi cùng nhau tổ chức thi công.

Anh Tráng Seo Chơ, ở thôn Lao Chải, nói:

- Có con đường này thì bà con sẽ đi lại thuận tiện hơn, con cái đi học dễ dàng hơn. Ngô lúa trên nương thu hoạch về không phải vác nữa mà có ô tô chở.

Với phương châm nhân dân là chủ thể, đoàn thể chính quyền quyết tâm, từ 1 thôn, 1 bản làm điểm thành công đã lan dần sang các thôn, bản khác. Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, cho biết:

- Từ cái nhỏ nhất cũng phải rút kinh nghiệm. Ví dụ như lúc đầu, khi xã làm đường thì tất cả vật liệu đổ xuống rãnh ở vệ đường, sau đó dùng máy xúc lên rồi trộn. Như thế mất nhiều công sức quá, thứ hai nữa là hao vật liệu. Về sau, anh em nghĩ ra là đổ thẳng vật liệu lên mặt đường, sau đó trộn trên mặt đường và rải ra đường thì vật liệu hót không hết vẫn nằm trên đường. Làm như vậy thì hiệu quả nâng lên.

Người dân Quan Thần Sán làm đường. Ảnh: Minh Phúc
Người dân Quan Thần Sán làm đường. Ảnh: Minh Phúc

Đến nay, huyện vùng cao Si Ma Cai đã có trên  90% tuyến đường liên thôn, bản được bê tông hóa, đường rải nhựa cũng đã đến được trung tâm 13 xã trong huyện. Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện đã làm được gần 70km đường nông thôn, trong đó 32km đường bê tông và 36km đường cấp phối. Nhờ có những con đường này mà người dân địa phương xóa bỏ được cuộc sống khép kín, tự cung tự cấp.

Để có được những con đường khang trang rộng rãi, ngay từ khi bắt đầu triển khai, huyện Si Ma Cai đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, huy động nội lực, phát huy sức mạnh của nhân dân để làm đường giao thông nối liền các thôn, bản. Khi được chính quyền địa phương giải thích về lợi ích của con đường, về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, mọi người đều phấn khởi, vui vẻ hiến những thửa ruộng, mảnh vườn quí báu để cùng nhau làm đường, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Ông Trương Mạnh  Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, cho biết:

- Trong phát triển giao thông nông thôn, chúng tôi làm theo tinh thần xây dựng nông thôn mới, người dân làm đường cho mình đi, mình là người hưởng lợi và đường bê tông là những con đường bền vững. Cho nên người dân đã tham gia rất tích cực. Theo chính sách của Nhà nước, huyện hỗ trợ xi măng, cát sỏi và hỗ trợ một phần tiền nhân công để đổ bê tông.

Những tuyến đường bê tông kiên cố xuyên các bản làng ra tận đồng lúa, nương ngô giờ đây không còn xa lạ ở nhiều thôn bản vùng cao Si Ma Cai. Đó là những con đường mở lối ấm no.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm