Học sinh trường Tiểu học Hộ Phòng A (phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) tìm hiểu bản đồ Việt Nam và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua mô hình |
Biên giới, biển đảo là một phần lãnh thổ trọng yếu của đất nước. Việc tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ là việc làm rất quan trọng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ thị phải coi trọng hơn nữa việc đưa vào sách giáo khoa vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước, trong đó có bảo vệ chủ quyền biên giới trên đất liền và hải đảo.
Ý thức được tầm quan trọng này, n hững năm gần đây, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đưa việc tuyên truyền biển đảo vào chương trình học tập bằng nhiều hình thức như l ồng ghép vào chương trình giảng dạy, tổ chức ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu biển đảo yêu thương… Việc tuyên truyền được đẩy mạnh triển khai bằng nhiều hình thức phong phú nhằm đem đến những hiểu biết liên quan biển đảo và công tác phân giới, cắm mốc chủ quyền. Nổi bật trong số đó, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai đã mạnh dạn đi đầu trong việc vận động nhân dân cùng tham gia giáo dục tình yêu quê hương, biển đảo.
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, thảo luận và tìm phương cách thích hợp, một sáng kiến đã được phường Hộ Phòng phê duyệt, là một trong ba công trình trọng điểm được đăng ký thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là việc địa phương này quyết tâm xây dựng một mô hình biển đảo nhân tạo tại trường tiểu học Hộ Phòng A nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, giúp các học sinh tiểu học có cái nhìn cảm quan về biển đảo của đất nước.
Để làm được điều này, ngoài sự đồng thuận của những cán bộ trong Ban chấp hành, Đảng ủy phường Hộ Phòng còn nhận được sự ủng hộ hết mình từ nhân dân địa phương, tập thể nhà trường và phụ huynh của trường Hộ Phòng A. Công tác vận động nhanh chóng được triển khai, song song với việc mời đơn vị thiết kế, xây dựng khảo sát. Sau không đầy 1 tháng, số tiền vận động đã đảm bảo để khởi công. Đầu tháng 12/2015, mô hình biển đảo tại trường tiểu học Hộ Phòng A đã chính thức hoàn thành, với kinh phí thực hiện gần 180 triệu đồng, trong đó, phường vận động trong nhân dân 120 triệu đồng, phụ huynh của trường Hộ Phòng A tự nguyện đóng góp 60 triệu đồng.
Mô hình bản đồ Việt Nam và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khuôn viên trường Tiểu học Hộ Phòng A (phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) |
Ông Nguyễn Văn Trận, Bí thư Đảng ủy phường Hộ Phòng cho biết: Sở dĩ phường chọn xây dựng mô hình biển đảo tại trường tiểu học bởi các học sinh tiểu học là đối tượng sơ khai, chưa có hiểu biết nhiều về biển đảo. Việc giáo dục, tuyên truyền cũng cần nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ hình dung. Do đó, phường chọn mô hình trực quan để các cháu có thể nhìn thấy, từ đó, qua công tác giáo dục, các cháu sẽ dần hình thành nhận thức, ý thức về chủ quyền biển đảo.
Với mong muốn giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ ngay từ khi các em ở bậc tiểu học biết được sự hy sinh to lớn trong việc giữ gìn non sông Việt Nam của bao thế hệ đi trước và biết được tầm quan trọng của tài nguyên biển, hải đảo, để các em có những hiểu biết nhất định, có nhận thức đúng đắn... nhằm góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền và tài nguyên môi trường biển, đảo Việt Nam. Từ đó, ý tưởng xây dựng một mô hình giáo dục biển đảo ngay trong khuôn viên trường học đã gây được ấn tượng hết sức mạnh mẽ. Mô hình được đặt ngay trong khuôn viên của trường, nơi hằng ngày, các em cùng sinh hoạt, học tập, vui chơi. Mô hình gồm quần thể bản đồ đất nước Việt Nam , biển, các đảo cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là mô hình có tính giáo dục rất cao, gây sự thu hút và thích thú cho học sinh cấp tiểu học. Từ khi khởi công đến hoàn thành công trình, ngày nào các học sinh cũng đến xem mô hình.
Mô hình bản đồ Việt Nam và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khuôn viên trường Tiểu học Hộ Phòng A (phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) |
Cô Lê Thị Hạnh, giáo viên lớp 4C2, trường tiểu học Hộ Phòng A chia sẻ, dựa vào mô hình này, học sinh biết được lãnh thổ của mình kéo dài từ đâu đến đâu, xác định được vị trí nơi các em đang ở trên bản đồ. Từ bản đồ thu nhỏ này, giáo viên có thể giáo dục học sinh thấy rằng để có được một bản đồ đất nước đẹp như hiện tại, các thế hệ đi trước đã phải hi sinh biết bao xương máu, do đó trách nhiệm của các em là phải biết giữ gìn và bảo vệ.
Sắp tới đây, mô hình biển đảo ở trường tiểu học Hộ Phòng A cũng sẽ là một điểm tham quan, học tập về biển đảo cho các trường của địa phương nói riêng và thị xã Giá Rai nói chung.
“Công trình không chỉ cụ thể hóa niềm tự hào về tình yêu biển đảo của riêng trường Hộ Phòng A, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục sôi động, hấp dẫn của nhiều trường trên địa bàn mỗi khi đến tham quan học tập”, Bí thư phường Hộ Phòng Nguyễn Văn Trận chia sẻ.