Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra từ việc triển khai nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiêng mẹ đẻ ; từ đó, thảo luận hướng hợp tác trong tương lai về giáo dục song ngữ trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn diện.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao sự hỗ trợ của UNICEF cho công tác giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là cho trẻ em dân tộc thiểu số ; đồng thời, ghi nhận những kết quả tích cực của dự án nghiên cứu này. Thứ trưởng nhấn mạnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện tiếp tục triển khai nhân rộng phương pháp tiếp cận giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ vì đây là giải pháp không chỉ tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, mà còn cải thiện chất lượng và hiệu quả của giáo dục dân tộc; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Trong các năm qua, dự án đã giúp cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số. Các số liệu thu thập được tại ba tỉnh thực hiện dự án đã khẳng định ảnh hưởng và hiệu quả tích cực của phương pháp này với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh và cộng đồng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được phổ cập giáo dục tiểu học, nhưng hiện nay còn có hàng triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số chưa thật sự tiếp cận giáo dục có chất lượng. Kết quả nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho thấy đây là phương pháp tiếp cận phù hợp và khả thi với thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam có thể tiếp cận dịch vụ và tham gia vào xã hội tốt hơn nếu ngôn ngữ của các dân tộc được sử dụng chính thức trong các lĩnh vực của đời sống.
Theo báo cáo tổng kết của Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc, sau quá trình triển khai thí điểm tại 3 tỉnh, trẻ em dân tộc thiểu số được học thực nghiệm bằng nội dung, chương trình giáo dục song ngữ có tiến bộ nhanh cả về kiến thức, kĩ năng và thái độ. Khi được học bằng tiếng mẹ đẻ, trẻ đều mạnh dạn, tự tin, sáng tạo, tiếp thu kiến thức nhanh. Trẻ thích đi học, tỷ lệ chuyên cần cao (gần 100 %). Năng lực tiếng Việt của trẻ lớp giáo dục song ngữ tốt hơn trẻ không học lớp song ngữ. Giáo viên được tiếp cận và thực hiện phương pháp giáo dục mới, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em dân tộc thiểu số./.