Giáo dục khởi sắc giáo dục ở huyện miền núi Nho Quan

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên trường Tiểu học Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đang giảng bài trên lớp. Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên trường Tiểu học Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đang giảng bài trên lớp. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của địa phương, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều khởi sắc. Từ vị trí xếp hạng trong tốp cuối về thi đua các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trong tỉnh, năm học vừa qua, ngành Giáo dục huyện Nho Quan đã vươn lên đứng thứ hai về chất lượng toàn diện, đặc biệt là trong phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học.

Giáo dục khởi sắc giáo dục ở huyện miền núi Nho Quan ảnh 1Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên trường Tiểu học Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đang giảng bài trên lớp. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Đổi thay ở những điểm trường

Nhiều năm về trước, Trường Tiểu học Thạch Bình là trường khó khăn nhất của ngành Giáo dục huyện miền núi Nho Quan với nhiều điểm trường trải dài ở những địa bàn đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ, chất lượng giáo dục thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm cao. Bằng sự quyết tâm cao, hiện nay, ngôi trường đã được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt cho 963 học sinh. Tỷ lệ học sinh đi học đều, đúng độ tuổi tại trường và các điểm trường lẻ luôn đạt mức cao. Trường Tiểu học Thạch Bình đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đứng trong tốp đầu của huyện Nho Quan về chất lượng giáo dục. Năm học 2017 - 2018, Trường được nhận Cờ thi đua xuất sắc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng.

Cô Đinh Thị Hương Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Bình, huyện Nho Quan cho biết, khoảng 10 năm trước, cô và trò xã miền núi Thạch Bình phải gian nan lắm mới có được con chữ. Nằm trên địa bàn trải rộng, nhà trường có tới 4 điểm trường cách nhau từ 4 - 6km với địa hình đi lại vô cùng khó khăn. Cơ sở trường lớp thiếu thốn, không có phòng học kiên cố mà chỉ bằng lán tranh tre vách đất, bàn ghế thiếu phải ghép cho học sinh ngồi cùng nhau mới đủ. Nhiều học sinh không có điều kiện đến trường, các thầy cô phải đến từng nhà vận động, kèm cặp từng em học. Đến nay, cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư khang trang, đầy đủ, góp phần tạo động lực cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa đến trường chuyên cần, nâng cao chất lượng dạy và học.

Huyện miền núi Nho Quan của tỉnh Ninh Bình có 27 xã, thị trấn trong đó có 5 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 28 trường Mầm non, 26 trường Tiểu học, 26 trường Trung học Cơ sở và một trường liên cấp với 1.049 lớp và 33.679 học sinh. Trước đây, số lượng giáo viên vẫn còn thiếu so với quy định, một số xã có học sinh đi học xa tới 8 km, việc đi lại của các em học sinh rất khó khăn... Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế người dân còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho con em học tập còn hạn chế. Chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy học của cả giáo viên và học sinh.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình được quan tâm rất lớn, thể hiện qua hàng loạt chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh, từ quy hoạch mạng lưới, đầu tư xây dựng trường lớp đến công tác phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên. Với những nỗ lực vượt qua khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Nho Quan đã có những bước phát triển vững chắc, quy mô trường lớp trên địa bàn huyện đã ổn định, cơ sở vật chất các nhà trường ngày một khang trang, chất lượng giáo dục ở các cấp học có nhiều tiến bộ theo từng năm.

Giáo dục khởi sắc giáo dục ở huyện miền núi Nho Quan ảnh 2Cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên chuẩn bị bữa trưa cho học sinh. Ảnh: Hải Yến -TTXVN

Cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Bình, huyện Nho Quan cho rằng, với những giáo viên công tác nơi vùng cao đặc biệt khó khăn thì chỉ tình yêu nghề thôi chưa đủ, các thầy cô còn phải có thêm lòng nhiệt huyết, sự hy sinh và tình yêu thương thật nhiều đối với học sinh. Trước đây, khó khăn lớn nhất của các trường miền núi là thiếu thốn về cơ sở vật chất, các phòng chức năng, thiết bị dạy học, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt... Đặc biệt, các lớp học ở các điểm trường lẻ đều do người dân trong thôn góp nguyên liệu, góp công xây dựng nên rất tạm bợ. Tuy nhiên, gần đây, từ các chương trình, dự án phát triển giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp được đầu tư kiên cố hóa từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Giáo dục khởi sắc giáo dục ở huyện miền núi Nho Quan ảnh 3Bữa ăn trưa miễn phí của học sinh vùng cao tại nhà cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên. Ảnh: Hải Yến -TTXVN

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Hiện nay, toàn huyện Nho Quan có 100% các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở đạt chuẩn quốc gia trong đó có một trường Mầm non và 18 trường Tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. Đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, mặc dù điều kiện còn hạn chế, các nhà trường luôn cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Các nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tâm với nghề. Trong đó, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn.

Các nhà trường đã tăng cường các hoạt động thực hành, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh. Đặc biệt, công tác chăm lo đời sống cho học sinh ở các trường Mầm non là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Các nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Cùng với toàn ngành, các trường ở 5 xã đặc biệt khó khăn có nhiều tiến bộ vượt bậc. Hiện có 100% trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở ở khu vực này đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 4 trường đạt mức độ 2. Ngoài ra, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh ở các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn cũng là điểm sáng của ngành Giáo dục. Các đơn vị trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện năng khiếu, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan cho biết, để có được những kết quả trên, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành Giáo dục huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ học phí, sách giáo khoa, học phẩm cho học sinh thuộc những gia đình hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn để các em có điều kiện đến lớp. Thời gian tới, ngành Giáo dục huyện tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cho phù hợp với thực tế; chú trọng cải tạo, nâng cấp và đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất, đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cần thiết khi học sinh đến trường. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động học sinh đến lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của các cấp cùng với sự nỗ lực của các địa phương và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường, công tác giáo dục ở huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã có bước tiến nhanh về mọi mặt. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng cao phát triển nhanh, mạnh. Hiện nay, các trường đặc biệt khó khăn của huyện Nho Quan đang tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên để sẵn sàng thực hiện thành công việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thùy Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm