Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN |
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2020, trẻ em người dân tộc thiểu số từ 3 - 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ trên 75%, trong đó, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đạt 95% trở lên; các em đủ 6 tuổi đều được chuẩn bị điều kiện để vào lớp 1. Tất cả trẻ em trong độ tuổi tiểu học được học và hoàn thành chương trình này trước khi vào học bậc Trung học cơ sở. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ít nhất 5% học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề kết hợp với học cấp 3 hệ giáo dục thường xuyên.
Tỉnh đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với học sinh cấp 2 – 3, ngành giáo dục Đắk Nông kỳ vọng trên 85% học sinh người dân tộc thiểu số có học lực từ trung bình trở lên; trên 60% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được học đại học hoặc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đào tạo nghề.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy - học cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm Đắk Nông tổ chức khảo sát chất lượng ngay từ đầu năm học để có hướng giảng dạy, ôn tập, phụ đạo và bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng học sinh. Ngành giáo dục tỉnh cũng xây dựng kế hoạch triển khai ôn tập, có đề cương ôn tập cho học sinh lớp 12; đặc biệt chú trọng đến học sinh có năng lực học tập yếu, kém; tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hoá hình thức tổ chức học tập nhằm nâng cao chất lượng dạy -học, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số trong nhà trường.
Sở Giáo dục & Đào tạo Đắk Nông thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục hướng dẫn học sinh dân tộc thiểu số xây dựng kế hoạch tự học; chú trọng tổ chức giáo dục học sinh tự chăm sóc bản thân, giáo dục tính tự lập, tính kỷ luật và đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Từ nay đến năm 2020, Đắk Nông ưu tiên nguồn ngân sách Nhà nước cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ học tập, ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh.
Tỉnh sẽ rà soát, quy hoạch, sắp xếp hoàn thiện hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số theo từng địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em của người dân trong vùng được tham gia học tập.
Ngọc Minh