Lễ hội khai năm tạ ơn rừng lần thứ nhất của đồng bào dân tộc Cơ tu trên địa bàn huyện miền núi Tây Giang , tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN |
Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng hơn 127.500 người. Theo khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2010- 2015, khu vực miền núi có 1.534 trường hợp tảo hôn, 101 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều nơi vẫn còn phong tục hứa hôn; sự hạn chế tiếp cận kiến thức pháp luật của đồng bào; việc thiếu trang bị kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi; sự vào cuộc của chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt…
Qua hai năm triển khai đề án (2016-2017), Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã tiến hành chọn các xã điểm tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, những người có uy tín, các thầy cô giáo ở các trường học. Đồng thời, Ban phối hợp với Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Nam biên soạn, in và cấp phát hàng ngàn tờ rơi, tài liệu, pano liên quan để cung cấp cho các địa phương, đơn vị.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam Hồ Thanh Tân cho biết: Sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, cùng với việc đổi mới trong công tác tuyên truyền đến đối tượng học sinh tại các trường ở vùng cao đã mang lại kết quả bước đầu chuyển biến tích cực. Kết quả khảo sát năm 2017, số trường hợp tảo hôn đã giảm xuống còn 183 trường hợp, hôn nhân cận huyết thống là 4 trường hợp.
Trước đây, việc duy trì sĩ số ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My luôn là một thách thức lớn bởi học sinh bỏ học do tảo hôn. Nhận thấy việc tuyên truyền bằng phương pháp phổ biến kiến thức thông thường trên lớp không mang lại hiệu quả như mong muốn, lãnh đạo nhà trường đã thay đổi cách tiếp cận. Nhà trường phối hợp với Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Nam Trà My xây dựng phóng sự truyền hình về chính những học sinh của trường nghỉ học do tảo hôn trong các năm qua để chiếu trong các giờ ngoại khóa, tổ chức các hội thi, hội diễn tìm hiểu về chủ đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Thầy giáo Hồ Minh Vương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My cho biết: Việc đổi mới công tác tuyên truyền đang mang lại hiệu quả. Đến thời điểm này của năm học 2017- 2018, Nhà trường mới chỉ ghi nhận một trường hợp học sinh bỏ học do tảo hôn. Thời gian tới, Nhà trường sẽ tăng cường phối hợp với phụ huynh, chính quyền địa phương để quản lý, định hướng cho các em có cái nhìn đúng đắn về hôn nhân - gia đình cũng như những hệ lụy của việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống gây ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, để giảm thiểu bền vững tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trước hết phải nâng cao nhận thức của hệ thống chính quyền cơ sở, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cộng đồng tham gia vào công tác tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe. Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020, 8 xã điểm triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020” sẽ cơ bản ngăn chặn được tình trạng này, từ đó tiến hành nhân rộng ra các xã còn lại, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở khu vực miền núi.
Đỗ Trưởng