Giảm nghèo hiệu quả từ ý thức vươn lên của người dân

Giảm nghèo hiệu quả từ ý thức vươn lên của người dân

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đó là an sinh xã hội. Để cụ thể hóa nội dung này, các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ ý thức vươn lên của người dân, đến nay, công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương đã có những bước đi hiệu quả.

Giảm nghèo hiệu quả từ ý thức vươn lên của người dân ảnh 1Một góc vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Tức Tranh Tranh (huyện Phú Lương). Ảnh: TTXVN

Gia đình bà Liêu Thị Ninh ở xóm Hiệp Hòa là một trong những hộ nghèo của xã Phủ Lý, huyện Phú Lương. Đầu năm 2023, được sự tuyên truyền tích cực của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, bà Ninh đã gom góp được số tiền 3,5 triệu đồng đối ứng để nhận hỗ trợ nuôi một con trâu sinh sản trị giá 20 triệu đồng. Ngoài việc hỗ trợ về con giống, bà còn được hỗ trợ về vật tư chăn nuôi như thức ăn, đá liếm và chế phẩm xử lý chuồng trại.

Bà Ninh cho biết: “Sau khi được nhận hỗ trợ con giống, cán bộ khuyến nông của địa phương thường xuyên tới nhà hướng dẫn tận tình những kỹ thuật trong chăn nuôi và chăm sóc, trâu rất mau lớn, khỏe mạnh. Với sự hỗ trợ này, tôi quyết tâm sẽ thoát nghèo trong thời gian sớm nhất”.

Hộ bà Ninh hiện là một trong 53/878 hộ nghèo của xã Phủ Lý. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng cỏ chăn nuôi, xã Phủ Lý được hưởng Dự án hỗ trợ trâu, bò cái nuôi sinh sản từ Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông huyện Phú Lương thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.

Ông Triệu Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết, Dự án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân bởi luôn hướng tới mục tiêu tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có việc làm, tận dụng được điều kiện sẵn có của gia đình để phát triển chăn nuôi, tiến tới thoát nghèo bền vững và cải thiện đời sống.

Giảm nghèo hiệu quả từ ý thức vươn lên của người dân ảnh 2Người dân vùng chè Vô Tranh (huyện Phú Lương) đóng gói sản phẩm chè. Ảnh: TTXVN phát

Phú Lương là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh, hộ nghèo chiếm hơn 3,8% dân số toàn huyện. Công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được cơ quan, đoàn thể và các cấp chính quyền quan tâm chú trọng. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương đã được triển khai như: Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ và nguồn tài trợ của các chương trình, dự án để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế; ký cam kết thoát nghèo với hộ nghèo; tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động… Nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất… Năm 2023, huyện Phú Lương đã giải ngân được trên 3 tỷ đồng giúp các hộ thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch huyện Phú Lương cho biết, với việc thực hiện tích cực, đúng đối tượng thụ hưởng, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho người dân. Huyện phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn dưới 3,4% vào cuối 2025.

Giảm nghèo hiệu quả từ ý thức vươn lên của người dân ảnh 3Khu dân cư nông thôn xã Lương Phú, huyện Phú Lương thay đổi, khang trang theo tiêu chí NTM. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Chương trình giảm nghèo bền vững đã được Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên triển khai tích cực, thu được nhiều kết quả khả quan như chỉ tiêu giảm hộ nghèo hằng năm đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo, người thuộc hộ nghèo theo quy định của Chính phủ, của tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời; nhiều gia đình đã có thay đổi về nhận thức để thoát nghèo…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn tồn tại một số hạn chế như: điều kiện kinh tế của một bộ phận dân cư trên địa bàn chưa cao, dễ bị tổn thương và rơi vào hộ nghèo khi có biến cố xảy ra. Việc triển khai Chương trình ở các địa phương còn chưa đồng đều. Đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực dẫn đến một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp. Một số hộ nghèo không có thành viên trong độ tuổi lao động nên không có cơ sở để thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm tăng thu nhập;…

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm 1% và bình quân 2%/năm hộ nghèo vùng đồng bào và miền núi, giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo và người cận nghèo, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Tỉnh thường xuyên rà soát nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.


Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm