Mục tiêu giảm nghèo đang là một trong những trọng tâm quan trọng của huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Chính quyền các cấp đang tập trung “dồn lực” hỗ trợ nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo.
Nằm ở phía Tây tỉnh Khánh Hòa; dân số khoảng 36 nghìn người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 94%. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh) gần Quốc lộ 27C là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 trong cả nước. Đầu năm 2023, toàn xã có 325 hộ nghèo và 57 hộ cận nghèo.
Đánh giá về những khó khăn của địa phương, ông Cao Dê Sy, Chủ tịch UBND xã Giang Ly cho biết, địa hình đồi núi và trình độ dân trí không đồng đều là yếu tố chính khiến cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn. Thu nhập bình quân mỗi hộ chỉ khoảng 13,4 triệu đồng/năm, thấp hơn mức trung bình của huyện (24 triệu đồng/năm). Dù chính quyền đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho bà con (như: thợ xây, nấu ăn, thợ may) nhưng chưa phát huy hiệu quả trong việc tạo việc làm ổn định cho người dân.
Mặc dù, Chương trình mục tiêu Quốc gia đã làm thay đổi cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng việc giảm nghèo ở địa phương vẫn còn đối mặt với những khó khăn lớn từ nhận thức đến cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Để đạt mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững, địa phương tập trung vào việc nâng cao trình độ học vấn, đào tạo nghề và tạo ra cơ hội kinh doanh nhỏ, từ cửa hàng sửa xe đến các dịch vụ tiêu dùng hàng ngày. Xã Giang Ly phấn đấu giảm 78 hộ nghèo vào cuối năm 2023 thông qua việc hỗ trợ vốn và đào tạo nghề.
Theo ông Lê Đình Phùng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh, đầu năm 2022, toàn huyện có 4.625 hộ nghèo. Địa phương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, tỉnh và địa phương. Nhờ đó đến nay, huyện đã giảm được 206 hộ nghèo.
Huyện đã miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 7.300 học sinh với tổng số tiền hơn 9,9 tỷ đồng. Năm 2023, địa phương đã hỗ trợ ăn trưa cho hơn 1.200 lượt học sinh bậc Mầm non. Địa phương đã cấp miễn phí trên 21.000 Thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 5.352 Thẻ cho người cận nghèo và 3.490 Thẻ cho người cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, tạo điều kiện cho 16.855 lượt người dân được khám, chữa bệnh; đồng thời, hỗ trợ tiền ăn cho 9.421 bệnh nhân điều trị nội trú. Ngoài ra, huyện đã khảo sát để hỗ trợ vốn vay tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.
Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giúp thay đổi cơ sở hạ tầng nông thôn. Hệ thống đường liên thôn, đường vào khu sản xuất được nâng cấp, giúp cải thiện giao thông và vận chuyển hàng hóa. Huyện đã huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng công cộng, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội 134 tỷ đồng. Hơn 1.400 hộ nghèo, cận nghèo đã có cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, với tổng số tiền hơn 48,6 tỷ đồng. Đặc biệt, việc thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu cấp huyện và cấp xã đã giúp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo hiệu quả.
Dù Khánh Vĩnh đã đạt được những kết quả tích cực về công tác giảm nghèo nhưng vẫn còn những hạn chế. Một số chính sách an sinh xã hội vẫn triển khai chậm; một số giải pháp giảm nghèo chưa mang lại hiệu quả cao; nhiều hộ nghèo còn lệ thuộc vào chính sách hỗ trợ. Để giải quyết vấn đề giảm nghèo một cách bền vững, không chỉ cung cấp nguồn lương thực, mà còn cần tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế và các nguồn vốn để phát triển sản xuất. Qua đó, tạo cơ hội để các gia đình vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, một số người dân vẫn đang có thái độ thờ ơ, thiếu tích cực và trông chờ vào sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước; đây là rào cản chính làm chậm quá trình thực hiện chính sách.
Đặng Anh Tuấn