Khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự cường của nông dân vùng cao

Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: Hương Thu - TTXVN
Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Trong thời gian qua, phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tích cực khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng trong mỗi gia đình nông dân vùng cao Lào Cai. Tinh thần ấy thể hiện rõ nhất với minh chứng tại địa phương thời gian qua đã hình thành nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự cường của nông dân vùng cao ảnh 1 Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

* Mở đường xuất khẩu quế

Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân không chỉ thực hiện sự chuyên môn hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại, công nghệ cao mà còn là “chìa khóa” trong xuất khẩu hàng nông sản nước ta, mở ra cho hàng nông sản Việt Nam nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường thế giới, tăng cường năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Lào Cai là một trong những vùng trồng quế lớn nhất cả nước. Hợp tác xã Quế Ống Sáo Tâm Hợi thuộc thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng tham gia “sân chơi” ngành hàng quế từ năm 2021 với mặt hàng chủ lực là sản phẩm quế ống sáo phục vụ xuất khẩu. Ngay từ đầu, Hợp tác xã xác định sản phẩm làm ra phải đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ chữ tín với bạn hàng để kinh doanh lâu dài. Cơ sở chủ động xây dựng vùng nguyên liệu quế tại Sơn Hà, đồng thời vận động các hộ trong vùng nguyên liệu ở Bảo Thắng nâng cao chất lượng các đồi quế.

Bà Tạ Thị Hợi, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, các hộ tham gia hợp tác xã cam kết trồng, chăm sóc và khai thác theo đúng yêu cầu kỹ thuật; không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, tạo nên vùng nguyên liệu sạch đảm bảo các yêu cầu của khách hàng.

Sản xuất, chế biến bài bản, tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt đã giúp cơ sở sản xuất quế ống sáo Tâm Hợi tiếp cận được những thị trường nước ngoài khó tính như Singapore, Ấn Độ và một số nước châu Âu với sản lượng 700 tấn vỏ quế khô/năm. Trong đó, sản lượng quế được sản xuất tại xã Sơn Hà khoảng 210 tấn/năm và sản lượng quế sản xuất tại các xã, thị trấn lân cận trong huyện Bảo Thắng là 230 tấn.

Hiện, Hợp tác xã có 21 thành viên tham gia, quản lý trên 500ha quế, trong đó có 350 ha đạt tuổi khai thác, 200 ha đạt độ tuổi tỉa thưa và 150 ha đạt độ tuổi khai thác trắng; việc áp dụng các quy trình sản xuất, sơ chế quế hữu cơ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt trên 100 triệu đồng/năm, cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 20%.

Đến nay, Hợp tác xã bước đầu xây dựng được các vùng nguyên liệu sản xuất quế hữu cơ và hình thành mối liên kết tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở nông thôn, vùng trồng quế nguyên liệu.

Ngoài Hợp tác xã Quế Ống Sáo Tâm Hợi, Lào Cai còn nhiều mô hình hợp tác trong sản xuất, kinh doanh về quế hữu cơ theo chuỗi giá trị khác tại các vùng trồng Bảo Yên, Bắc Hà.

Điển hình như Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét, huyện Bắc Hà liên kết với 100 hộ dân trên địa bàn xã để thực hiện trồng quế. Nhờ đề cao lợi ích của thành viên và người dân nên sự hợp tác giữa Hợp tác xã với người dân, doanh nghiệp ngày càng bền vững. Người dân không mất nhiều công sức, không phải phụ thuộc vào thương lái trong khi thu nhập lại tăng lên gấp nhiều lần. Mỗi năm sản lượng vỏ quế tươi của Hợp tác xã đạt gần 800 tấn, chế biến trên 40 tấn tinh dầu, có khoảng gần 500 m3 gỗ quế; hầu hết các sản phẩm từ quế của Hợp tác xã đều được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản.

* Liên kết phát triển ngành cá nước lạnh

Sa Pa là "thủ phủ" cá nước lạnh của vùng Tây Bắc. Địa phương hiện có trên 304 cơ sở gây nuôi, 4 cơ sở chế biến và nhiều cơ sở bán buôn, bán lẻ sản phẩm cá nước lạnh; hệ thống hàng trăm nhà hàng lấy sản phẩm cá hồi, cá tầm làm món đặc sản độc đáo nhất của Sa Pa để phục vụ du khách.

Với nhiều dư địa phát triển, ngành cá nước lạnh mang lại thu nhập cao cho người dân (gấp nhiều lần thu nhập của các nghề nông truyền thống), nhưng cũng có nhiều rủi ro và khó khăn cần được giải quyết, đặc biệt là về kỹ thuật, vốn sản xuất, thị trường tiêu thụ với câu chuyện muôn thuở "được mùa mất giá".

Để khắc phục các tồn tại đó, Hội Nông dân thị xã Sa Pa triển khai mô hình liên kết: Doanh nghiệp - Hội Nông dân - Nhà chăn nuôi. Từ đây, hình thành nhiều điển hình trong liên kết phát triển ngành cá nước lạnh hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nông dân, trong đó có Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại và dịch vụ du lịch Song Nhi Sa Pa (phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa).

Năm 2011, công ty được thành lập trên cơ sở nhu cầu liên kết, hợp tác phát triển sản xuất của 30 hộ trên địa bàn thị xã Sa Pa và một số huyện, tỉnh bạn. Sau hơn 10 năm hoạt động, công ty có 5 trại cá tầm, cá hồi, với hơn 100 bể nuôi cá thương phẩm, cá giống, quy mô diện tích khoảng 8 ha. Với mô hình này, công ty là doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho khách hàng là các hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn. Tất cả trang trại nuôi cá của công ty đều có khu vực riêng để gây giống cá nước lạnh phục vụ nguồn giống tại chỗ và cung cấp cho người dân có nhu cầu nuôi.

Ông Trần Chung Hưng, Giám đốc Công ty cho biết, Hội Nông dân thị xã Sa Pa hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh lãi suất thấp, kết hợp cùng công ty tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi cá, đưa đội ngũ kỹ thuật đến tận từng trại cá kiểm tra, kịp thời phát hiện dịch bệnh và đưa ra phác đồ điều trị khi cá bị bệnh. Người chăn nuôi chịu trách nhiệm về mặt bằng và xây dựng trang trại, chăm sóc cá theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo sản phẩm khi xuất trại đạt chất lượng cao nhất. Ông Hưng cho biết thêm, với thị trường du lịch ổn định như hiện nay, sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch đều dễ dàng tiêu thụ, cung không đủ cầu.

Hiện, Lào Cai có 16.509 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 62%. Theo Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lào Cai Bùi Quang Hưng, phong trào đã tạo sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực tự cường, tạo động lực khích lệ hàng nghìn hộ nông dân tham gia phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất.

Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai xác định đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức phát động chú trọng tập hợp, liên kết hộ nông dân có cùng mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để hợp tác sản xuất nông sản hàng hoá theo chuỗi giá trị.

Các cấp Hội chú trọng giúp đỡ người dân đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp; phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản phẩm hàng hóa quy mô tập trung.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm