Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đang tập trung công tác giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của toàn tỉnh từ 2%/năm trở lên. Mục tiêu đề ra đến năm 2029, mức thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số ở Cà Mau tăng gấp 2 lần so với năm 2024. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của các xã khu vực III và ấp đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số giảm từ 2,5%/năm trở lên.
Đồng thời, tỉnh quan tâm thực hiện tốt các mục tiêu an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với đồng bào dân tộc và của người dân trong vùng dân tộc thiểu số; phân bổ và tổ chức thực hiện, giải ngân đạt từ 95% trở lên đối với kế hoạch vốn ngân sách nhà nước bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và vận động đồng bào tích cực thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có công tác giảm nghèo bền vững.
Tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các chính sách hỗ trợ, thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; đầu tư phát triển về kinh tế, giảm nghèo nhanh trong vùng đồng bào gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành kinh tế có lợi thế ở từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản hiệu quả gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến sản phẩm; triển khai các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến...
Tỉnh Cà Mau hiện có 21 dân tộc thiểu số với 12.154 hộ, hơn 50.650 nhân khẩu; trong đó, dân số đông nhất phải kể đến là đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Hoa.
Giai đoạn 2019 – 2024, tỉnh thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tính đến cuối năm 2023 chỉ còn 713 hộ, chiếm tỷ lệ 6,09% trong tổng số hộ dân tộc thiểu số. Nổi bật, tỉnh đã thực hiện hoàn thành được chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở mức 2%/năm. Kết quả rà soát năm 2023 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm 2,57% so với năm 2022 (giảm 329 hộ nghèo).
Ngoài ra, Cà Mau đang tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện Chương trình, phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có ít nhất 40% số xã (tương ứng 2 xã) và 51,2% số ấp, khóm (tương ứng 22 ấp, khóm) ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn đúng theo chỉ tiêu thực hiện Chương trình được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh. Các ngành, địa phương ở Cà Mau còn triển khai, vận dụng khá hiệu quả các nội dung hỗ trợ và nguồn lực từ Chương trình cho nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo nên sự đa dạng, phong phú nền văn hóa của tỉnh.
Kim Há