Chiều 2/10, tại thành phố Cần Thơ, Cục Trồng trọt phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo quốc gia “Đất và phân bón” lần thứ nhất năm 2024, với chủ đề “Thực trạng độ phì nhiêu đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa”.
Tại sự kiện, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đánh giá thực trạng độ phì thực tế của đất trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng 5 năm gần đây. Từ đó, xác định yếu tố hạn chế của đất để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón giúp tăng dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với diện tích đất trồng lúa trên 1,5 triệu ha, hằng năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 50% tổng sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền nhận định, theo các nghiên cứu, việc thâm canh quá mức, tăng vụ, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng cùng với xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hằng năm… dẫn đến hệ lụy đất lúa Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng và ảnh hưởng đến năng suất lúa, chi phí sản xuất của nông dân.
Dựa vào kết quả phân tích thu thập từ 76 mẫu đất của 36 điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ nêu thực trạng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long có 3 vùng (đất ven biển, trung châu thổ, thượng lưu) bị mất cân đối dinh dưỡng.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, ngưỡng pH tối ưu cho lúa để cây lúa phát triển tốt thường nằm trong khoảng từ 5.5 đến 6.5, nhưng độ pH ở 3 vùng đều là đất chua, độ pH từ 5,0 - 5,5; hàm lượng chất hữu cơ không giảm nhưng chất lượng hữu cơ suy thoái, lúa bị ngộ độc hữu cơ, gây phát thải CH4.
Sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến việc sử dụng phân bón không hợp lý đã làm cho chất lượng đất giảm đi, đất bị suy thoái. Tại các vùng đất lúa ba vụ của Đồng Tháp, An Giang,… để duy trì năng suất, nông dân buộc phải tăng lượng phân bón trên đồng ruộng, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Là vựa lúa của cả nước, với diện tích đất gieo trồng hàng năm khoảng gần 4 triệu ha, việc canh tác lúa của bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang có những chuyển biến trong phương thức canh tác, chuyển dần sang cơ giới hóa. Để canh tác lúa Đồng bằng sông Cửu Long được bền vững, các chuyên gia nhận định rất cần giải pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa giúp sản xuất lúa hiệu quả mà không ảnh hưởng, làm suy giảm chất lượng đất.
Thực tế chứng minh, sau 3 vụ lúa (thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện nghiên cứu lúa quốc tế triển khai thực hiện) được thực hiện trong năm 2024 áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh (ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo sạ, giảm lượng phân bón, lượng nước tưới,...) ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã cho kết quả tích cực.
Khẳng định cơ giới hóa góp phần quan trọng trong thành công sản xuất lúa của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) dẫn chứng, với việc canh tác 3 vụ/năm ở Đồng bằng sông Cửu Long, đất không có thời gian nghỉ ngơi, cơ giới hóa kết hợp với công nghệ sinh học dập rơm, cày vùi rơm với chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ trong thời gian ngắn là giải pháp tối ưu, giúp bổ sung dinh dưỡng cho đất. Ứng dụng công nghệ vào trong việc sạ lúa giúp giảm lượng khí phát thải trên đồng ruộng và giúp rễ lúa ăn sâu hơn, hạn chế quá trình đổ ngã.
"Tùy theo từng loại đất mà áp dụng các loại máy móc, cơ giới hóa cho phù hợp. Cơ giới hóa đóng vai trò rất lớn để cải tạo đất (san phẳng mặt ruộng, cày ải đất, gieo sạ hàng...), tăng hiệu quả phân bón, tăng độ phì nhiêu cho đất. Áp dụng cơ giới hóa để cày phơi ải, cày sâu ruộng lúa, sạ hàng, sạ cụm vùi phân, giúp giảm số lần bón phân là giải pháp quan trọng hoàn trả dinh dưỡng cho đất. Việc kết hợp cơ giới hóa và bón phân cân đối sẽ nâng hiệu quả sản xuất lúa", chuyên gia IRRI khẳng định.
Từ các nghiên cứu thực tế trên các đồng ruộng, GS. TS Nguyễn Bảo Vệ nhấn mạnh đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cần có giải pháp kỹ thuật để cải thiện dinh dưỡng, đặc biệt tập trung vào đầu vụ lúa như: Làm những rãnh nước rửa độc cho đất và tránh hiện tượng dồn độc chất; ngâm đất sau thời gian phơi ải khoảng 2 tuần nhằm cải thiện độ chua, độ phì của đất; sử dụng phân bón bio-canxi cải tạo đất đầu vụ, tăng độ pH, cung cấp canxi, phân hủy rơm rạ, cố định đạm, phân giải lân, giảm ngộ độc hữu cơ;...
Với các cách làm trên, theo GS. TS Nguyễn Bảo Vệ sẽ giúp tăng năng suất lúa hơn 12% so với mô hình ruộng đối chứng.
Phân bón và đất có mối quan hệ liên kết với nhau. Sử dụng phân bón hợp lý sẽ có tác dụng tốt cho "sức khỏe" của đất và năng suất cây trồng. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cũng đề xuất một số giải pháp quản lý đất cải tiến giúp cải thiện độ phì nhiêu đất và năng suất lúa như: Luân canh lúa và cây trồng cạn; điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp theo nhu cầu cây trồng nhằm giảm thất thoát ra môi trường; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ;...
Thu Hiền