Là một tỉnh có tỷ lệ dân số gần 50% người dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng triển khai nhiều dự án, chương trình phát triển kinh tế tại vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, trong chương trình phát triển thương mại, tỉnh Gia Lai khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa với nhiều phương án thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Chương trình tập trung thúc đẩy phát triển thương mại gắn với quy mô, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của tỉnh, từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại giữa các huyện trong tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân.
Ông Kpă Đô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai sẽ nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các huyện thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt mức tăng trưởng từ 9% trở lên. Đồng thời, tỉnh vận động, hướng dẫn từng địa phương phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế để đưa vào hệ thống phân phối trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, trái cây...
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai được thực hiện trên phạm vi 9 huyện gồm: Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Chư Prông, Đăk Đoa, Đức Cơ, Mang Yang, Chư Sê, Ia Grai từ năm 2021 đến năm 2025.
Tỉnh Gia Lai sẽ chú trọng việc xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế của tỉnh; trong đó, tập trung hướng dẫn, tạo điều kiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phù hợp quy mô thị trường của từng địa bàn.
Gia Lai khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng cửa hàng, điểm bán sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm.
Đặc biệt, Gia Lai sẽ hỗ trợ kết nối, tạo dựng mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp với cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các thương nhân, doanh nghiệp trong tỉnh liên kết, hợp tác với các thương nhân, doanh nghiệp lớn trên cả nước.
Tỉnh Gia Lai sẽ phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa; trong đó, phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng xã hội hóa, thị trường hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Gia Lai tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như: chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đồng thời, lồng ghép các nguồn lực tổ chức thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, Gia Lai cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử, các giải pháp công nghệ số và các dịch vụ tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến như: công nghệ thẻ thông minh, mã vạch; hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận các thị trường trong nước và quốc tế.
Hồng Điệp