Thời gian gần đây, nhiều nông dân xã An Thành, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía, sắn (mỳ) sang trồng cây ăn quả. Hướng đi này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững trên vùng đất khó.
Vùng đất xã An Thành, huyện Đăk Pơ nằm ở triền núi, nhiều khu vực là núi đá, có độ dốc lớn nên đất đai khô cằn, bạc màu. Trước đây, vùng đất này chỉ có cây mía và cây sắn là cây trồng chủ lực của xã nhưng hiệu quả kinh tế của các loại cây này bấp bênh. Không để “đất làm khó”, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phá thế độc canh cây sắn, mía chuyển sang trồng cây ăn trái.
Với diện tích khoảng 5 sào, ông Nguyễn Văn Minh ở thôn 3, xã An Thành trồng 100 cây nhãn Hương Chi. Sau khoảng thời gian chăm sóc, đến nay mỗi năm vườn nhãn đã cho ông thu nhập lớn và ổn định.
“Trước đây, tôi trồng mía nhưng giá cả bấp bênh. Trồng nhãn mất khoảng từ 4-5 năm chăm sóc nhưng thu hoạch có thể lên đến 20 năm. Tính về hiệu quả kinh tế so với các loài cây truyền thống thì cây nhãn cao hơn rất nhiều. Mỗi cây trung bình thu hoạch gần 1 tạ quả. Mỗi năm, vườn nhãn đem lại cho gia đình thu nhập khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, giống nhãn Hương Chi phù hợp với vùng đất An Thành. Vì vậy, vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Ông không sử dụng thuốc hóa học để tạo ra sản phẩm nhãn sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Giống nhãn này có ưu điểm quả to, khi chín thì căng mọng, cơm dày và rất thơm nên được ưa chuộng, thương lái tìm đến tận vườn để mua”-ông Minh cho hay.
Cũng nhận thấy hiệu quả từ cây nhãn, anh Huỳnh Hữu Nghị ở thôn 5 đã chuyển đổi hơn 2 ha mía để trồng 900 cây nhãn. “Tôi chọn giống Hương Chi và T6 bởi cây rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, cho quả đều, đẹp, cùi dày và ngọt. Trồng nhãn chi phí đầu tư ban đầu hơi cao, thời gian chăm sóc đến khi thu hoạch khá lâu so với cây trồng khác song lại cho hiệu quả kinh tế lâu dài. Sau khi cây bắt đầu cho thu hoạch thì không cần tốn nhiều công chăm sóc như trước nữa. Giá nhãn cũng ổn định hơn”, anh Nghị cho biết.
Ông Trương Công Hạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thành chia sẻ, xã hiện có gần 15 ha nhãn. Hiện nay, người dân đang chuyển đổi dần diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi, chanh không hạt, chanh dây và nhãn. Trong số đó, cây nhãn phát triển mạnh nhất do đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Xã đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành thương hiệu “Nhãn An Thành”.
Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng ủy xã An Thành đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ông Hạnh cho biết, định hướng của xã là từng bước hình thành các mô hình trồng cây ăn quả tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật; khuyến khích bà con trồng một số loài cây ăn quả đặc trưng, có thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, nhất là cây nhãn. Phấn đấu đến năm 2025, toàn xã có 40 ha nhãn, sản lượng 7 tấn/ha.
Hiện tại, trên địa bàn xã vẫn chưa có công trình thủy lợi. Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào một số con suối nhỏ và ao hồ do người dân tự đào. Cùng với đó, các tuyến giao thông nội đồng chưa được hoàn thiện nên ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển nông sản.
“Xã rà soát, đưa vào quy hoạch các công trình thủy lợi nhỏ, ưu tiên các khu vực cần cải tạo, mở rộng, làm mới ao, hồ chứa nước phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương để có nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, phát huy nội lực, tận dụng tiềm năng đất đai để phát triển cây ăn quả, trong đó ưu tiên mở rộng diện tích trồng nhãn”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thành nhấn mạnh.
Quang Thái