Gia Lai: Hạn hán cục bộ, nguy cơ thiếu nước tưới ở nhiều địa phương

Gia Lai đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở nhiều ao, hồ thuỷ lợi sụt giảm nghiêm trọng gây hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương. Người dân bị thiệt hại nặng nề do hàng trăm nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới.

vna_potal_han_han_cuc_bo_nguy_co_thieu_nuoc_tuoi_tai_nhieu_dia_phuong_o_gia_lai_7325600.jpg
Kênh rạch bị cạn khô do nắng nóng kéo dài. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Nguồn nước khó khăn

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay tăng từ 0,8 – 1,3 độ C so với mức trung bình nhiều năm. Lượng mưa trong mùa khô cũng giảm đáng kể, dự báo từ nay đến tháng 7 lượng mưa tiếp tục thấp hơn từ 10 – 25%. Nắng nóng gay gắt xuất hiện cục bộ tại một số huyện: Kbang, Chư Păh, Mang Yang, Đăk Đoa, Phú Thiện, Đức Cơ và Chư Prông; nhiệt độ những tháng tới nhiều khả năng vượt ngưỡng lịch sử năm 2020 (tại thị xã Ayun Pa 41,5 độ C). Từ nay đến giữa tháng 5, Gia Lai sẽ xuất hiện thêm từ 3 - 5 đợt nắng nóng gay gắt cục bộ, kéo dài; đặc biệt từ ngày 14-23/4, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 1 - 2 đợt nắng nóng gay gắt mới trên diện rộng.

Hồ thủy lợi rộng hơn 12 ha tại thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông những năm hạn trước cũng vẫn có nước tưới nhưng nay hồ đã trơ đáy. Người dân phải đào rãnh giữa lòng hồ để hứng nước đọng, nhưng nay cả rãnh sâu 4m cũng không còn nước. Do vậy, nhiều hộ phải thuê người để đào, nạo vét giếng, tìm thêm nguồn nước tưới cho cây trồng.

Dưới cái nắng đổ lửa của mùa khô hạn Tây Nguyên, ông Trần Văn Nự, thợ đào giếng có 28 năm kinh nghiệm đang nạo vét hố, tìm nguồn nước tưới cho một hộ dân. Ông Nự cho biết, địa điểm đào giếng này gần hồ thủy lợi, thường dễ có nước nhưng năm nay hạn hán nghiêm trọng hơn nhiều so với mọi năm nên lượng nước cũng khan hiếm. Năm nay, ai cũng gọi nhờ tìm nguồn nước, từ đầu năm đến nay ông Nự đã nạo vét hơn 25 giếng nhưng hầu hết lượng nước không nhiều.

vna_potal_han_han_cuc_bo_nguy_co_thieu_nuoc_tuoi_tai_nhieu_dia_phuong_o_gia_lai_7325598.jpg
Hồ thuỷ lợi tại thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn (Chư Prông, Gia Lai) đã khô cạn trơ đáy. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) cho hay, gia đình ông có 1,5 ha cà phê và 0,5 ha trồng các loại cây ăn trái khác. Dù đã có kinh nghiệm đối phó với hạn hán nhưng năm nay tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng. Ba hồ chứa nước tưới của gia đình ông cũng đã cạn, đợi 5 ngày mạch mới rỉ ra được ít nước. Vườn cà phê của các gia đình xung quanh đều không có nước tưới, héo rũ lá hết.

Đến ngày 10/4, trong số 16 hồ chứa do Công ty Trách nhiệm một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai quản lý có 12 hồ còn từ 11% - 44% dung tích thiết kế; 4 hồ còn lại đạt từ 64% - 94% dung tích thiết kế. Ngoài ra, trong 18 đập dâng của công ty có 13 đập dâng với mực nước trước cống từ 0,28-1,6m, 5 đập còn lại mực nước đang là 0m.

Hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ đã gây thiệt hại khoảng gần 5 tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ tại huyện Chư Păh có hơn 43 ha lúa nước bị thiệt hại; huyện Mang Yang nắng nóng kéo dài khiến khoảng 10 ha lúa nước thiếu nước trầm trọng, ước thiệt hại khoảng 153 triệu đồng. Nặng nhất là huyện Phú Thiện có hơn 88 ha lúa, khoai lang và bắp bị khô hạn, ước thiệt hại khoảng 4,7 tỷ đồng.

Giải pháp ứng phó

Trước tình hình hạn hán cục bộ diễn ra ở nhiều địa phương, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông nghiệp. Các kế hoạch phòng chống và ứng phó được thực hiện từ cấp tỉnh đến địa phương, bao gồm việc triển khai các giải pháp phù hợp với diễn biến thời tiết để bảo vệ cây trồng.

vna_potal_han_han_cuc_bo_nguy_co_thieu_nuoc_tuoi_tai_nhieu_dia_phuong_o_gia_lai_7325635.jpg
Người dân huyện Chư Prông (Gia Lai) đào giếng để tìm nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai đang phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo ngành chức năng phân bổ nguồn nước hợp lý, bơm luân phiên và nạo vét các ao hồ.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ứng phó với tình trạng hạn hán gay gắt trong tháng 4 và thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty phát điện 2 và Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho các vùng hạ lưu sông Ba. Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ du các công trình thủy điện, thủy lợi; xây dựng kế hoạch xả nước về hạ du để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân khi hạn hán xảy ra.

"Về lâu dài, Sở đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND tỉnh, cần có kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống kênh mương dẫn nước. Điều này sẽ giúp khai thác hiệu quả các công trình hồ đập thủy lợi đã đầu tư và tích nước nhưng hiện vẫn còn thiếu hệ thống kênh mương. Chỉ khi hệ thống kênh mương được hoàn thiện mới có thể chủ động được nguồn nước tưới và áp dụng các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, từ đó giải quyết triệt để tình trạng và mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp.", ông Nghĩa cho biết thêm.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm