Nhiều giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong mùa khô ở Đắk Lắk

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 3 đến 5/2024, khu vực đầu nguồn sông, suối thuộc các huyện Krông Bông, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp khả năng bị cạn kiệt; xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ ở một số địa phương ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

vna_potal_tung_buoc_phat_huy_hieu_qua_du_an_ho_chua_nuoc_ea_h’leo_1_dak_lak_7184452.jpg
Hồ chứa nước Ea H’leo 1 (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000 ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi cho người dân. Ảnh: Anh Dũng – TTXVN

Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước do tác động của hiện tượng El Nino, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô 2023 - 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô; trong đó, cần xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Đồng thời, ngành nông nghiệp đề nghị UBND cấp huyện phối hợp xây dựng kế hoạch lấy nước vùng hạ du các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp; bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm. Các huyện cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung; rà soát khả năng cung cấp nguồn nước tới từng hộ, thôn/buôn ở vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đề nghị Công ty TNHH Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, UBND cấp huyện tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất; điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ nước cho cả mùa khô...

Bên cạnh đó, Sở giao Chi cục Thủy lợi phối hợp tổng hợp kiểm kê nguồn nước từ công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cập nhật, theo dõi diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, năm 2023, tỉnh triển khai 65 dự án thủy lợi, tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 858 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa nước, 161 đập dâng và 78 trạm bơm; nâng tỷ lệ đảm bảo tưới cho cây trồng dùng nước trên địa bàn đạt 83,88%.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về phát triển thủy lợi. Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền và triển khai tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được chú trọng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá khối lượng nước hữu dụng của toàn bộ hệ thống hồ, đập để có kế hoạch đóng, mở nước phù hợp, có kế hoạch luân phiên điều tiết nước hợp lý.

Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2024, ngành Đắk Lắk đặt ra mục tiêu, hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 84,45% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm