Đưa Lễ hội Cầu ngư và hội Bài Chòi đến gần du khách

Chiều 14/3, tại Quảng trường 2/4, UBND thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tổ chức Lễ hội Cầu ngư và hội Bài Chòi, thu hút đông đảo người dân và du khách thưởng thức, trải nghiệm.

vna_potal_nha_trang_khanh_hoa_dua_le_hoi_cau_ngu_va_hoi_bai_choi_den_gan_du_khach_7271509.jpg
Lễ hội đặc sắc của người dân miền biển Nha Trang-Khánh Hoà. Ảnh Đặng Tuấn – TTXVN

Theo UBND thành phố Nha Trang, Lễ hội Cầu ngư và hội Bài Chòi lần này với chủ đề “Nha Trang, Khánh Hoà – Ký ức miền thùy dương". Đây là một hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924-2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, nhất là giá trị nghệ thuật của hình thức lễ hội đặc sắc của người dân miền biển Nha Trang-Khánh Hoà, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản phi vật thể Bài Chòi dân gian.

Hơn 200 nghệ nhân đến từ các phường: Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường và các nghệ sĩ múa, đoàn lân sư rồng của thành phố Nha Trang biểu diễn tại Lễ hội.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Không khí Lễ hội sôi động với nhiều nghi thức văn hóa ấn tượng. Lễ hội không chỉ thu hút người dân tham gia, mà du khách trong nước và quốc tế còn có cơ hội được trải nghiệm và tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Thật đặc biệt và xúc động, trước đây tôi chỉ biết đến Lễ hội Cầu ngư và hội Bài Chòi thông qua các phương tiện truyền thông báo chí, nhưng bây giờ những làn điệu Bài Chòi vẫn còn được duy trì và biểu diễn tại nơi công cộng. Người dân và du khách có cơ hội hiểu thêm các giá trị văn hóa quý giá của cha ông để lại".

vna_potal_nha_trang_khanh_hoa_dua_le_hoi_cau_ngu_va_hoi_bai_choi_den_gan_du_khach_7271511.jpg
Việc tái hiện Lễ hội cầu ngư nhằm góp phần bảo tồn nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của ngư dân. Ảnh Đặng Tuấn - TTXVN

Theo thông lệ, hằng năm, khi vào mùa biển mới, ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung lại tổ chức Lễ hội Cầu ngư. Theo đó, Lễ hội Cầu ngư được ngư dân vùng biển tổ chức vào khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán, khi bước vào mùa biển mới, nhằm tạ ơn thần Nam Hải đã phù trợ cho ngư dân trong những chuyến ra khơi, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, đồng thời cầu Quốc thái dân an, mong được mùa trong vụ biển mới. Phần quan trọng nhất của Lễ hội Cầu ngư là nghi thức cúng tế tại lăng thờ thần Nam Hải. Chủ trì nghi thức này gồm có 4 ông: Chánh tế, bồi tế, tả ban và hữu ban cùng 4 học trò lễ dâng rượu và đèn.

Lễ hội Cầu ngư là một hoạt động văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân vùng biển, đặc biệt là vùng duyên hải Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ tục thờ thần Nam Hải. Tháng 6/2014, Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với các tỉnh miền Trung, hát Bài Chòi cũng là nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân. Hoạt động này thường được tổ chức vào các dịp lễ, Tết hàng năm. Năm 2017, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

vna_potal_nha_trang_dua_le_hoi_cau_ngu_va_hoi_bai_choi_den_gan_du_khach_7271514.jpg
Hơn 200 nghệ nhân, ngư dân tại thành phố Nha Trang đã cùng tái hiện lại Lễ hội cầu ngư với các nghi thức truyền thống trên trục đường Trần Phú, Quảng trường 2/4 (TP Nha Trang). Ảnh Đặng Tuấn – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hảo, 71 tuổi, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang cho biết, từ khi còn là một chàng trai trẻ cho đến nay, ông vẫn luôn nhiệt tình tham gia Lễ hội với hy vọng sẽ truyền cảm hứng và kiến thức về truyền thống này cho thế hệ tiếp theo.

Ngoài yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, Lễ hội Cầu ngư còn góp phần phát huy giá trị văn hóa dân gian thông qua các hoạt động nghệ thuật truyền thống như Hát Bộ, hò Bả Trạo, làm sống dậy không khí của một cộng đồng miền biển đoàn kết và giàu bản sắc văn hóa.

Đặng Anh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm