Việc đưa lao động tỉnh Hà Giang sang Trung Quốc làm việc theo thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới đã chính thức tái khởi động từ tháng 11/2023 sau thời gian gián đoạn dịch COVID-19. Đến nay, chương trình đã mang lại cơ hội việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần giải quyết tình trạng lao động tự do trái phép và các vấn đề phát sinh về an ninh, trật tự tại khu vực biên giới.

Ngày 15/2/2024, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 215, phê duyệt phương án thí điểm lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp đưa lao động Hà Giang sang Trung Quốc làm việc. ChỈ tính riêng trong quý I/2024, đã có 2.893 lao động của Hà Giang được sang làm việc tại châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với thời gian từ 3 tháng đến 1 năm. Công việc của lao động tham gia chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Tính từ tháng 11/2023, tổng số lao động Hà Giang được đưa đi làm việc hợp pháp đã đạt 3.649 người.
Hiện tại, Hà Giang đã cấp phép cho một trung tâm dịch vụ việc làm và 4 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này, bao gồm: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Coong Travel; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Za Ghi; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Mây Cồ; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn dịch vụ việc làm Minh Xá. Trong đó, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Coong Travel dẫn đầu với 2.046 lao động đã được đưa sang Trung Quốc làm việc. Các đơn vị này chịu trách nhiệm tuyển chọn, đưa đón và bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp giảm thiểu rủi ro cho những người đi làm việc tự do.
Những nỗ lực triển khai chương trình đã tạo ra sự chuyển biến tích cực. Người lao động từ các huyện vùng sâu, vùng xa như Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn được tiếp cận thông tin qua hội chợ việc làm, tuyên truyền tại thôn, bản và qua mạng xã hội.
Anh Sùng Mí Sình (xã Mậu Long, huyện Yên Minh) chia sẻ: “Nhờ những buổi tuyên truyền và kinh nghiệm từ người đi trước, tôi quyết định đi làm qua con đường chính ngạch, không còn ý định vượt biên trái phép.”
Không chỉ hỗ trợ thủ tục hành chính, các doanh nghiệp còn đảm bảo quyền lợi như chế độ tiền lương, bảo hiểm, chăm sóc y tế. Anh Sùng Seo Sài (xã Xín Mần) kể: “Khi gặp tai nạn lao động tại xưởng chế biến gỗ ở Trung Quốc, tôi được công ty bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị.”
Dù đạt được những kết quả tích cực, việc triển khai vẫn gặp một số trở ngại. Mức thu nhập hiện tại của lao động chưa cao như trước dịch COVID-19, do chương trình chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp. Ngoài ra, chưa có sự thống nhất hoàn chỉnh giữa hai bên về quy trình thực hiện, mức phí và thời điểm thu phí.
Ông Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, cho biết: “Để giảm thiểu khó khăn, cần bổ sung các văn bản thống nhất giữa hai phía và đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của chương trình, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.”
Theo ông Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang: Thực trạng đi lao động bằng con đường tự do và hệ lụy xảy ra không còn là câu chuyện mới đối với người lao động tỉnh Hà Giang từ nhiều năm nay. Việc đưa người lao động của tỉnh đi Trung Quốc làm việc hợp pháp từ 6 tháng đến 1 năm là một trong những hướng giải quyết việc làm và đã được thực hiện từ trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bị gián đoạn và hiện nay được tái khởi động lại.
Điều này vừa khai thác tiềm năng thị trường lao động dồi dào khu vực giáp biên, vừa bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, khắc phục tình trạng người lao động vượt biên trái phép, những vấn đề phát sinh về an ninh trật tự trên khu vực biên giới. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối cung cầu lao động trong nước thì việc đưa người lao động đi làm việc tại Trung Quốc theo thỏa thuận được xem là giải pháp hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại các địa phương trong tỉnh.
Được biết, trong thời gian tới phía các doanh nghiệp của nước bạn Trung Quốc tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của Hà Giang để ký hợp đồng nhận lao động từ Hà Giang, nâng tổng nhu cầu lao động lên đến 30.000 người. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền hai bên, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý lao động để tiếp tục đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
Việc đưa lao động sang Trung Quốc làm việc hợp pháp không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn giảm thiểu tình trạng vượt biên trái phép, đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực biên giới. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, bền vững trong công tác giải quyết việc làm cho lao động phổ thông tại tỉnh Hà Giang./.
Minh Tâm