Phát triển xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đang là xu thế của du lịch Việt Nam. Không nằm ngoài xu thế đó, Bình Thuận đang từng bước hiện thực lộ trình “xanh hóa” hoạt động du lịch với mục tiêu định hình và phát triển thương hiệu Bình Thuận - điểm đến du lịch xanh, thân thiện. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân và du khách về ý thức, trách nhiệm bảo tồn những giá trị tiềm năng du lịch tại điểm đến.
Từng bước định hình du lịch xanh
Theo các chuyên gia, du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, du lịch xanh hiện đang là xu hướng toàn cầu khi giúp hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nâng cao giá trị văn hóa địa phương và bảo tồn được các di sản tự nhiên. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch kết hợp văn hóa - lịch sử… thời gian gần đây đã thu hút lượng lớn du khách. Điều này cho thấy việc chuyển đổi xanh trong toàn nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng đã, đang và sẽ tạo nên nhiều giá trị cho quốc gia.
Ở ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận đang “hội tụ” nguồn tài nguyên đa dạng, quý giá để phát triển mạnh du lịch bằng nhiều sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường, khai thác gắn với gìn giữ các các tài nguyên. Nói đến Bình Thuận không thể không nhắc tới những bãi biển đẹp: Mũi Né, Hòn Rơm, Kê Gà… hay những khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Câu; những thắng cảnh thiên nhiên kì vĩ như: Đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng… Bình Thuận còn là nơi hội tụ của nhiều sắc màu văn hóa, các di tích gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương, quá trình sinh sống của cộng đồng các dân tộc như: Tháp Chăm Pô Sah Inư, Vạn Thủy Tú, Dinh Thầy Thím, làng nghề gốm của đồng bào Chăm…
Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XV) về "phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" đã xác định ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh.
Lấy môi trường biển làm trọng tâm để phát triển các sản phẩm du lịch, Bình Thuận đang phát huy thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, golf, du lịch thể thao biển… Cùng với đó, Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống. Bình Thuận đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng - thác - hồ - biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch sinh thái nông nghiệp… góp phần khẳng định điểm đến thực sự hội tụ những giá trị xanh gắn với môi trường trong lành, thiên nhiên tươi đẹp.
Hiện nay, nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch ở Bình Thuận đã có phương án nhằm “xanh hóa” tối đa các sản phẩm du lịch, tái đầu tư với các trang thiết bị, tận dụng thiên nhiên, thắng cảnh trong quá trình vận hành các dự án du lịch. Các cơ sở, khu du lịch đã tiến hành chuyển đổi nguồn nhiên liệu sử dụng sang các nhiên liệu xanh như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời; hạn chế các chất đốt, sản sinh điện gây nguy hại đến môi trường và vận hành phát triển theo mô hình ESG (bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng).
Ông Nguyễn Đức Tiến, Tổng Giám đốc Mui Ne Bay Resort, thành phố Phan Thiết cho biết, kiến trúc với thiết kế chú trọng không gian xanh, thân thiện với môi trường là tiêu chí đơn vị hướng tới. Vì vậy, tại khu nghỉ dưỡng, mật độ xây dựng thấp (khoảng 20%), ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, thiết kế thông thoáng sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, giữ không gian xanh với nhiều loại cây bản địa phù hợp điều kiện tự nhiên. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng còn tận dụng mái tòa nhà để lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời, nước nóng năng lượng mặt trời… Bên cạnh đó, từng chi tiết nhỏ trong các sản phẩm, đồ dùng phục vụ du khách được ưu tiên sử dụng bằng vật liệu thân thiện môi trường như: Tre, sứ, gốm, giấy...
Lộ trình “xanh hóa” du lịch
Theo ông Bùi Thế Nhân, năm 2023, địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” thể hiện quyết tâm, định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa phát triển du lịch xanh như: chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp…
Các địa phương, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch đã có những hành động thiết thực để phát triển du lịch xanh như: Thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường gắn với nếp sống văn minh đô thị, trang trí đường phố, trồng cây xanh…
Tuy nhiên trên thực tế, lộ trình “xanh hóa” du lịch vẫn chưa được như kỳ vọng và còn rất nhiều thách thức. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn khá thấp. Các mô hình về du lịch xanh còn manh mún, chưa có nhiều đột phá; hoạt động đầu tư vào các dự án xanh còn nhiều điểm chưa nổi bật. Ngoài ra, vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, tình trạng rác thải, nước thải tại các khu dân cư, du lịch và bãi biển còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để, nhất là khu du lịch cộng đồng. Các loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách còn tạm bợ, chưa chuyên nghiệp. Nhận thức ứng xử về văn hóa, văn minh du lịch của một số người dân, du khách tham gia hoạt động dịch vụ du lịch còn hạn chế, ngại thay đổi thói quen… Đây là những thách thức lớn đối với du lịch xanh.
Ông Bùi Thế Nhân cho biết, để đặt nền tảng vững chắc và phát triển từng bước hướng đến nền kinh tế du lịch xanh, ngành du lịch Bình Thuận đang tích cực vận dụng các khái niệm xanh, mô hình xanh, hạ tầng xanh vào quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Lấy quy chuẩn Khu du lịch quốc gia Mũi Né để lan tỏa ra các khu du lịch khác nhằm kiểm soát việc đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ sở du lịch. Đặc biệt, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về du lịch xanh, du lịch bền vững, bảo vệ môi trường thiên nhiên gắn với văn hóa từng vùng miền để phát triển bền vững. Từ đó, người dân tại chỗ được hưởng lợi.
“Đối với cộng đồng dân cư, trong tầm nhìn từ đây đến năm 2030, ngành du lịch phối hợp cùng với đơn vị, địa phương thay đổi nhận thức và hành động của người dân theo 3 nhóm: Thứ nhất là bảo vệ môi trường giữ gìn xanh, sạch đẹp; thứ hai là giao tiếp thân thiện với du khách; thứ ba là chống cướp giật, chèo kéo và nâng giá không hợp lý để giữ vững môi trường thân thiện”, ông Bùi Thế Nhân nhấn mạnh.
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, tăng trưởng xanh là một lộ trình dài, phức tạp, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng người dân, doanh nghiệp phải quyết tâm, kiên trì và sáng tạo liên tục. Trước hết, chính quyền địa phương phải xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Cùng với đó, lãnh đạo Trung ương, địa phương cần có các chính sách phù hợp “tiếp sức”, khuyến khích tinh thần chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, chính quyền và doanh nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các thương hiệu điểm đến để phát triển du lịch xanh hiệu quả...
Hồng Hiếu