Du lịch nông nghiệp, sinh thái - loại hình du lịch mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2

Du lịch nông nghiệp, sinh thái - loại hình du lịch mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2
Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định, để phát triển bền vững du lịch nói chung, phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nói riêng, không thể không có sự vào cuộc trách nhiệm, tâm huyết của cả cộng đồng, đặc biệt là người dân tại các địa phương ở các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp.
Bài 2 - tiếp theo và hết: Tăng cường  khai thác chương trình du lịch chuyên đề
Vườn lan của HTX Hoa lan Huyền Thoại, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn thí điểm từ nhiều năm qua. Nguồn: sggp.org.vn
Vườn lan của HTX Hoa lan Huyền Thoại, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn thí điểm từ nhiều năm qua. Nguồn: sggp.org.vn
 
Huy động sự vào cuộc của cộng đồng
Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có những tăng trưởng mới. Cụ thể, năm 2018, số du khách đến thành phố đạt 36,5 triệu lượt; trong đó du khách quốc tế đạt  trên 7 triệu lượt. Còn trong 5 tháng đầu năm 2019,lượng khách quốc tế đến thành phố đã đạt 3,54 triệu lượt, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng doanh thu từ du lịch trong 5 tháng đầu năm 2019  đạt khoảng 60.768 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Phát huy kết quả này và đặt mục tiêu có những đột phá mới cho phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo ngành Du lịch, các sở ngành có liên quan và 5 huyện ngoại thành thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp, tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn cho thành phố.

Theo đó, 5 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách.
 
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành.

Các sở, ngành liên quan hỗ trợ các huyện phát triển các làng văn hóa du lịch đặc trưng của từng huyện, để tạo nên điểm đến hấp dẫn và giới thiệu bản sắc văn hóa gắn với đặc trưng của từng địa phương; đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch.
 
UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án khuyến khích hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2020; trong đó, xác định tập trung vào các đối tượng như: người trực tiếp tham gia hoạt động du lịch; người dân ở các khu vực sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch trên địa bàn nông thôn mới và các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp; người dân ở các làng nghề, các khu, điểm du lịch cộng đồng; người dân ở các khu phố chuyên doanh.

Các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch khu vực 5 huyện nông thôn mới và các quận trên địa bàn thành phố. Đề án nêu nhiều giải pháp thực hiện như: cung cấp thông tin các văn bản quy định của Nhà nước; các quy chuẩn về du lịch; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người dân tham gia làm du lịch; hỗ trợ hình thành sản phẩm du lịch, kết nối thị trường, quảng bá tiếp thị…
 
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để huy động sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng trong phát triển du lịch nông nghiệp, đồng thời gắn kết các doanh nghiệp lữ hành với các điểm đến sinh thái, nông nghiệp, hình thành các chương trình du lịch chuyên đề nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến thành phố, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động Hội thi Thiết kế và khai thác chương trình du lịch chuyên đề sinh thái, nông nghiệp.

Hội thi này được tổ chức theo 2 vòng. Ở vòng 1, các doanh nghiệp lữ hành, sinh viên các trường đào tạo du lịch trên địa bàn thành phố, các tổ chức, nhóm khởi nghiệp, câu lạc bộ, các cá nhân yêu thích du lịch có thể gửi dự thi các chương trình du lịch được thiết kế với điểm khởi hành từ địa phương liên kết đến Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thiết kế đường tour phải gắn các điểm đến sinh thái, nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống, khu vườn sinh thái, các làng hoa kiểng... 

Vòng 2 dành cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận. Các chương trình du lịch chuyên đề sinh thái, nông nghiệp đã được công bố tại vòng 1 của hội thi sẽ được các doanh nghiệp lữ hành hoàn chỉnh, tiến hành khai thác và chào bán, phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới.
Du khách quốc tế tham quan địa đạo Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu
Du khách quốc tế tham quan địa đạo Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu
 
Thu hút đa dạng hơn các đối tượng du khách
Một trong những giải pháp phát triển của ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa, là: Đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và các hãng vận chuyển... để xây dựng nhiều chương trình du lịch, tour, tuyến với giá cạnh tranh, thu hút nhiều đối tượng du khách; tăng tính liên kết vùng để phối hợp ra mắt các tour du lịch nội địa đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu du lịch của nhiều phân khúc du khách. Đối với loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái, giải pháp này cũng được chú trọng đẩy mạnh. Như vậy, có thể nói, làm thế nào để có được nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của các đối tượng, phân khúc du khách là một trong những vấn đề mấu chốt đã được những người làm du lịch ở thành phố nhìn nhận, chú trọng  thực hiện, góp phần tạo sự đa dạng cho sản phẩm, thu hút đông đảo du khách.

Hiện nay, các vùng ngoại ô thành phố đã có nhiều điểm đến hấp dẫn, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp đô thị như: Nông trang Xanh Green Noen ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi; Khu Sinh thái giáo dục Về quê ở xã Trung An, huyện Củ Chi…

Chị Nguyễn Kim Nga - một Việt kiều sống ở Hà Lan cho biết: Gia đình chị về Thành phố Hồ Chí Minh để thăm người thân và tranh thủ cho các cháu nhỏ đi du lịch tham quan tại một số điểm du lịch ở ngoại thành thành phố. Dù thời tiết mùa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh khá nóng song khi đến tham quan Nông trang Xanh Green Noen ở huyện Củ Chi, các con của chị tỏ ra rất thích thú vì được tát cá, thả diều, hái nấm, vắt sữa bò, thưởng thức những món ăn dân dã như bánh xèo nấm, củ mì (sắn) hấp nước dừa...
 
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã có khá nhiều điểm đến thuộc loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái được du khách biết đến, song theo một số chuyên gia ngành du lịch, các đơn vị lữ hành, các chủ trang trại, khu du lịch sinh thái cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch để có thể thu hút đa dạng đối tượng du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Hiện nay, tại một số điểm đến du lịch sinh thái, nhu cầu của đối tượng du khách là học sinh, sinh viên đi theo đoàn đến từ các tỉnh, thành trong nước đã được đáp ứng khá tốt, song với đối tượng là du khách quốc tế hay các doanh nhân lại chưa có nhiều điểm đến du lịch nông nghiệp có những dịch vụ trải nghiệm phù hợp. Theo theo thống kê, cứ 10 du khách quốc tế đến Việt Nam, có 5 du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, muốn thu hút đối tượng du khách này, ở mỗi điểm đến cần có thêm những sản phẩm khác biệt, hấp dẫn, mới mẻ để du khách vẫn giữ được cảm giác hào hứng, thích thú khi có dịp quay lại lần sau. Bên cạnh đó, mỗi điểm đến cần có những sản phẩm lưu niệm, những đặc sản được chế biến và đóng gói, bảo quản sao cho phù hợp để du khách có thể mang về nước một cách thuận tiện nhất.../.
                                                  Thanh Trà
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm